Vàng thế giới tiếp tục chạy theo xu hướng giảm sau khi đối mặt với hàng loạt tin tức xấu. Từ đầu tuần đến nay, vàng đã sụt 3.2%- đánh dấu tuần giảm mạnh nhất hơn 2 năm qua.
Đà giảm mạnh mẽ bắt đầu xuất hiện từ ngày thứ Năm sau khi Trung Quốc và Mỹ đã đồng ý dỡ bỏ một số hàng rào thuế quan hàng hóa theo từng giai đoạn. Các hợp đồng vàng tương lai quay đầu giảm mạnh vào ngày thứ Năm (07/11) để ghi nhận mức đóng cửa thấp nhất trong 3 tháng và hướng đến tuần giảm mạnh nhất trong hơn 1 năm, MarketWatch đưa tin.
Từ riêng trong tuần, vàng đã sụt 3.2%-đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 05/05/2017.
Nhà phân tích Suki Cooper, thuộc Standard Chartered Bank nhận định, tâm lý lạc quan về triển vọng Mỹ và Trung Quốc đi đến ký kết một thỏa thuận hoặc thỏa thuận giai đoạn 1 khiến hoạt động giao dịch vàng bắt đầu suy giảm và thúc đẩy hoạt động chốt lời.
Thêm vào đó, thông tin Trung Quốc bất ngờ ngừng mua vàng càng khiến vàng lao dốc. Theo số liệu mới công bố trong ngày thứ Năm, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc duy trì dự trữ vàng ở mức 62,64 triệu ounce trong tháng 10/2019, không thay đổi so với 1 tháng trước đó. Như vậy, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã bất ngờ không mua thêm vàng sau 10 tháng mua mạnh, dự trữ vàng của Trung Quốc trong năm nay như vậy đã tăng thêm hơn 100 tấn.
Trong tuần, Quỹ đầu tư vàng lớn nhất SPDR cũng tiếp tục bán ra 13,2 tấn, còn 901,19 tấn vàng.
Tính tại thời điểm hiện tại, giá vàng thế giới đang được giao dịch ở mức 1.458,60 USD/ounce, tiếp tục mất 9 USD/ounce so với phiên giao dịch hôm qua.
Giá vàng thế giới giao tháng 12/2019 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchanghe ở mức 1.459,8 USD/Ounce, giảm 6,6 USD/Ounce trong phiên.
Quy theo giá USD ngân hàng, vàng thế giới hiện có giá 40,49 triệu đồng/lượng.
Trong bối cảnh hiện tại, đà tăng lợi suất trái phiếu chính phủ cũng là mối đe dọa đối với vàng khi nhà đầu tư có xu hướng đổ xô vào các tài sản được xem là kênh đầu tư an toàn mang lại lợi suất cao hơn, trong khi kim loại quý không mang lại lợi suất.
Hôm qua, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm dao động tại mức 1.9274%, cao hơn so với mức 1.727% ghi nhận hồi đầu tháng 11. Trong khi đó, chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index) – thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – nhích 0.2% lên 98.153.
“Thêm một điều quan trọng đối với vàng là mối tương quan nghịch đảo đối với lãi suất trái phiếu Mỹ và USD, với lãi suất danh nghĩa 10 năm của trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm ở quanh mức cao 1,85% và đồng USD đang ở mức hấp dẫn sẽ càng khiến vàng chịu thêm áp lực”- Stephen Innes, chiến lược gia thị trường khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại AxiTrader nhận định.
Lúc này, động lực duy nhất của thị trường là phát biểu mới nhất của ông Trump khi cho biết Mỹ sẽ trì hoãn thời điểm ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đến giữa tháng 12, thay vì vào ngày 16/11 theo dự kiến. Lý do ông Trump đưa ra là 2 bên chưa thống nhất được một số nội dung. Thông tin này đã khiến nhà đầu tư nghi ngờ về thỏa thuận, dự báo rủi ro dòng vốn vẫn chưa thể chấm dứt, kim loại quý nhờ đó không giảm sâu sau khi đã lùi về 1.484 USD/oz.
Giavang.net