Giá vàng đã và đang có tín hiệu điều chỉnh theo những thông tin có liên quan đến thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1.
Đúng như nhận định của nhiều chuyên gia, đà tăng của giá vàng tuần trước đã không nối tiếp sang tuần này khi giảm mạnh từ mức 1.515 USD/oz xuống tới mức 1.479 USD/oz.
Theo đó, giá vàng miếng SJC tại thị trường vàng Việt Nam cũng giảm mạnh từ mức 42,00 – 42,20 triệu đồng/lượng xuống tới mức 41,55- 41,75 triệu đồng/lượng.
Sở dĩ giá vàng giảm mạnh trong những phiên giao dịch đầu tuần này là do chỉ số dịch vụ ISM tháng 10 của Mỹ bất ngờ tăng mạnh lên mức 54,7% so với mức 52,6% trong tháng 9, cho thấy lĩnh vực dịch vụ của Mỹ vẫn tăng trưởng tích cực, trái ngược với lĩnh vực công nghiệp đang xuống dốc.
Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ và Trung Quốc đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong đàm phán thương mại và sẽ ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 ở Mỹ sau khi thỏa thuận được hoàn thành.
Tuy nhiên, tờ Politico cho biết phía Trung Quốc đang gây sức ép đối với Mỹ hủy bỏ quyết định áp thuế nhập khẩu bổ sung 15% đối với 112 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào hồi tháng 9 vừa qua, và kế hoạch áp thuế bổ sung đối với 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15/12 tới trước khi hai bên tiến tới ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Thực tế trên cho thấy, dù hai bên đã nhất trí thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 về mặt nguyên tắc, nhưng để tiến tới ký kết thỏa thuận này vẫn còn nhiều khó khăn, nếu như Mỹ không nhượng bộ yêu cầu nói trên của Trung Quốc.
Quả vậy, một quan chức giấu tên của Nhà trắng vừa cho biết việc ký kết thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1 sẽ bị trì hoãn đến tháng 12 tới do hai bên vẫn đang thảo luận về một số điều khoản trong thỏa thuận cũng như địa điểm diễn ra cuộc gặp.
Cũng theo vị quan chức này, Mỹ và Trung Quốc vẫn có khả năng không đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, nhưng khả năng đạt thỏa thuận vẫn đang lớn hơn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, dù Mỹ và Trung Quốc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, thì cũng khó hóa giải bất đồng chiến lược để tiến tới chấm dứt chiến tranh thương mại giữa 2 nước.
Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ vàng vật chất trên toàn cầu, đặc biệt là vàng trang sức đang có xu hướng chững lại khi kinh tế của nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc- quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, đang suy giảm mạnh. Theo Hội đồng vàng Thế giới (WGC), nhu cầu tiêu thụ vàng trang sức quý 3 trên toàn thế giới chỉ đạt hơn 460 tấn, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nguồn cung vàng thế giới lại tăng 4% lên mức 1.222 tấn.
Ông Chintan Karnani, Trưởng phòng phân tích chiến lược của Tập đoàn Insignia Consultants, cho rằng trong ngắn hạn giá vàng tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ những thông tin tích cực liên quan đến thỏa thuận thương mại Mỹ- Trung. “Giá vàng có thể giảm xuống 1.400-1.450 USD/oz nếu Mỹ và Trung ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Ngược lại, giá vàng sẽ tăng lên mức 1.600 USD/oz nếu thỏa thuận thương mại Mỹ- Trung bị đổ vỡ, vì Mỹ sẽ áp thuế bổ sung với 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc như kế hoạch đề ra”, ông Chintan Karnani nhận định và cho biết thêm, nhiều nhà đầu tư vẫn đang có tâm lý chờ đợi giá vàng giảm xuống mức khoảng 1.450 USD/oz để mua vào.
Theo phân tích kỹ thuật, giá vàng lại tiếp tục rơi vào vùng mây trên biểu đồ Ichimoku sau khi chớm vượt ra khỏi vùng này vào cuối tuần qua. Đây là một tín hiệu tiêu cực, cho thấy giá vàng có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh, củng cố trong vùng này.
Trong khi đó, các chỉ số MACD, ADX vẫn cho thấy tín hiệu đi ngang của giá vàng; còn các chỉ số Stochastic, RSI… vẫn cho thấy tín hiệu tiêu cực.
Theo đó, nếu không trụ vững trên 1.475 USD/oz (MA100), thì giá vàng có thể giảm tiếp tục xuống vùng 1.450 USD/oz, kế tiếp là vùng 1.400 USD/oz. Ngược lại, giá vàng sẽ phục hồi trở lại lên trên mức 1.500 USD/oz, nhưng đối mặt với vùng kháng cự mạnh tại 1.535- 1.567 USD/oz.
Theo Enternews