Dưới đây là đánh giá về thị trường dầu thô, vàng tuần trước và nhận định cho tuần này.
Biến động tiếp tục bao phủ lên thị trường năng lượng trong tuần trước với 2 phiên giảm và 3 phiên tăng. Hai phiên biến động mạnh nhất là ngày 13 và 14/8, giá dầu tăng 4% nhờ việc Mỹ hoãn áp thuế một số hàng hóa Trung Quốc, rồi lao dốc 3% do lo ngại suy thoái gia tăng và tồn kho tại Mỹ tăng.
Chỉ số CBOE đo biến động của thị trường dầu ngày 14/8 tăng 8%, ngày tăng mạnh nhất kể từ 1/8.
Thị trường năng lượng đang chịu tác động từ nhiều yếu tố trái chiều. Ngày 16/8, OPEC ra báo cáo có phần tiêu cực về nhu cầu dầu thô trong năm nay và năm 2020. Tuy nhiên, giá dầu vẫn đi lên nhờ Phố Wall phục hồi, lợi suất trái phiếu Mỹ tăng trở lại.
Bộ Tài chính Trung Quốc ngày 15/8 tuyên bố đáp trả nếu Mỹ áp thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa của nước này từ ngày 1/9, cho rằng Washington đang vi phạm sự đồng thuận, giải quyết bất đồng thông qua đàm phán, mà lãnh đạo hai nước đạt được trong cuộc gặp hồi cuối tháng 6 tại Nhật Bản.
Trước đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã quyết định hoãn áp thuế với một số hàng hóa Trung Quốc về ngày 15/12, loại một số hàng hóa khỏi danh sách chịu thuế, để hạn chế ảnh hưởng đến mùa mua sắm Giáng sinh.
“Tóm lại, thị trường dầu đang được giao dịch dựa trên sự lo ngại. Số liệu từ bên ngoài cho thấy lực cầu năng lượng có vẻ chững lại nhưng số liệu thực tế lại cho rằng tình trạng đó bị phóng đại”, theo Phil Flynn, nhà phân tích thị trường năng lượng tại Price Futures Group, bang Illinois.
Tồn kho dầu tại Mỹ tăng 1,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 9/8, trái ngược dự báo giảm 2,8 triệu thùng từ giới phân tích, theo cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Tồn kho dầu hiện ở 440,5 triệu thùng, cao hơn 3% so với mức trung bình 5 năm trong cùng thời điểm.
Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần đã triển khai thêm giàn khoan, lần đầu tiên sau 7 tuần.
Chốt tuần trước, giá dầu Brent tương lai tăng 0,2%, giá dầu WTI tương lai tăng 0,7%.
Dưới đây là một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần.
Ngày 19/8
- Genscape Cushing ra số liệu tồn kho ước tính.
Ngày 20/8
- Viện dầu mỏ Mỹ (API) ra báo cáo hàng tuần về tồn kho dầu.
Ngày 21/8
- Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) ra số liệu tồn kho dầu Mỹ trong tuần 12 – 16/8.
Ngày 23/8
- Công ty dịch vụ năng lượng Mỹ Baker Hughes cập nhật số lượng giàn khoan dầu hoạt động.
Kim loại quý
Đối với vàng, hội nghị chuyên đề của Fed, diễn ngày ngày 22 – 24/8 tại Jackson Hole, bang Wyoming, và nội dung chi tiết cuộc họp chính sách hồi cuối tháng 7 sẽ là yếu tố quyết định xu hướng giao dịch trong tuần này.
Nhu cầu tài sản an toàn tuần trước tăng sau khi đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm và 2 năm đảo chiều, dấu hiệu cho thấy nguy cơ suy thoái cận kề.
Theo giới phân tích, nhu cầu với vàng vẫn mạnh, dù tâm lý của nhà đầu tư với các tài sản rủi ro như chứng khoán đã được cải thiện.
Giá vàng tương lai đã tăng hơn 15% kể từ đầu năm, đang ở gần đỉnh 6 năm 1.525 USD/ounce. Đây là diễn biến tốt nhất của vàng kể từ năm 2011, khi giá vàng lập đỉnh lịch sử 1.911,6 USD/ounce. Từ đầu tháng 8, giá vàng tăng hơn 6%, tức khoảng 90 USD, do căng thẳng thương mại leo thang, xu hướng mua vào của ngân hàng trung ương các nước để phòng hộ.
Một số chiến lược gia cho rằng giá vàng có thể đạt 1.820 USD/ounce.
Dưới đây là một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá vàng trong tuần.
Ngày 20/8
- Đức công bố chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 7.
- Canada ra số liệu doanh thu sản xuất tháng 6.
- Quarles Speaks, thành viên Ủy ban thị trưởng mở liên bang (FOMC), cơ quan lập chính sách của Fed, phát biểu.
Ngày 21/8
- Canada công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7.
- Fed công bố nội dung chi tiết cuộc họp lãi suất cuối tháng 7.
Ngày 22/8
- Eurozone ra số liệu nhà quản trị mua hàng (PMI) sản xuất và dịch vụ tháng 8.
- Mỹ cập nhật số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, PMI dịch vụ tháng 8.
- Hội nghị chuyên đề của Fed bắt đầu.
Ngày 23/8
- Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu.
Theo NDH