Giá vàng đã bật tăng mạnh từ 1.400USD/oz lên 1.449USD/oz sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế bổ sung 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 1/9 tới.
Trong tuần này, sau khi mở cửa ở mức 1.419USD/oz, giá vàng quốc tế đã tăng lên mức 1.434USD/oz, nhưng sau đó giảm mạnh xuống mức 1.400USD/oz sau quyết định của FED.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng có thời điểm tăng lên mức 39,6- 39,8 triệu đồng/lượng, nhưng sau đó lại giảm mạnh xuống mức 39,1- 39,3 triệu đồng/lượng.
Sở dĩ giá vàng giảm mạnh xuống 1.400USD/oz là do FED chỉ cắt giảm 25 điểm phần trăm lãi suất cơ bản trong cuộc họp vừa qua, đúng như nhận định của thị trường. Hơn nữa, kỳ vọng cắt giảm lãi suất của FED đã được phản ánh vào biến động của giá vàng trong thời gian qua. Đặc biệt, FED mới chỉ bật tín hiệu có thể cắt giảm lãi suất thêm một lần nữa, chứ không khẳng định sẽ tiếp tục chu kỳ cắt giảm lãi suất kéo dài. Do đó, USD index đã tăng tới 0,34% lên mức 98,59 điểm sau cuộc họp của FED.
Tuy nhiên, giá vàng đã tăng vọt lên mức 1.448USD/oz ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1/9 tới đây, do cuộc đàm phán thương mại Mỹ- Trung vừa qua tại Thượng Hải không đạt được kết quả như kỳ vọng. Động thái này của Trump được cho là ép Trung Quốc phải nhượng bộ các yêu cầu của Mỹ trước cuộc đàm phán vào tháng 9 tới. Do đó, nếu Trung Quốc thực hiện theo yêu cầu của Mỹ, thì chắc chắn Trump sẽ thay đổi quyết định của mình. Tuy nhiên, Trung Quốc khó nhượng bộ toàn bộ yêu cầu của Mỹ, bởi quốc gia này vẫn còn các công cụ khác, ngoài thuế quan để trả đũa Mỹ.
Ông Heng Koon How, Trưởng Ban chiến lược của Ngân hàng UOB (Singapore) cho rằng, giá vàng bị bán tháo sau cuộc họp của FED là do cơ quan này không có cam kết gì nhiều về việc cắt giảm liên tục lãi suất. Tuy nhiên, việc Trump tuyên bố áp thuế bổ sung với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc chắc chắn sẽ làm cho cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung leo thang, khiến USD giảm mạnh và làm tăng vai trò trú ẩn của vàng. Mặc dù vậy, giá vàng có thể sẽ vẫn điều chỉnh, củng cố trong biên độ 1.400- 1.450USD/oz trong ngắn hạn. Tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng giá vàng tăng cao hơn nếu vượt qua 1.453USD/oz.
Trong khi đó, dù giá vàng đã tăng khá mạnh trong thời gian qua, nhưng nhu cầu vàng vật chất vẫn có xu hướng tăng, trái ngược với cảnh báo của nhiều chuyên gia trước đó. Theo Hội đồng vàng Thế giới (WGC), nhu cầu vàng thế giới đạt 1.123 tấn trong quý 2/2019, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tổng nhu cầu vàng trong 6 tháng đầu năm lên mức 2.181 tấn. Nhu cầu vàng thế giới tăng một phần lớn nhờ các NHTW đã và đang đẩy mạnh mua vàng để tăng quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia.
Ông Somasundaram PR, Giám đốc điều hành WGC tại Ấn Độ cho rằng, dù nhu cầu vàng thế giới tăng trong quý 2, nhưng có thể sẽ giảm nhẹ vào quý 3, sau đó phục hồi trở lại vào quý 4 do mua lễ hội sẽ diễn ra vào giai đoạn này. “Nhu cầu vàng vật chất của Ấn Độ- quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ 2 thế giới, có thể đạt 750- 850 tấn trong năm nay, so với mức 760 tấn trong năm 2018”, ông Somasundaram PR nhận định.
Ngoài ra, nguy cơ Brexit không có thỏa thuận và căng thẳng Mỹ- Iran cũng là những yếu tố làm gia tăng thêm vai trò trú ẩn của vàng.
Theo phân tích kỹ thuật, sau khi giá vàng phục hồi mạnh mẽ lên 1.449USD/oz, các chỉ số Stochastic, RSI, ADX… đều đã phân kỳ dương trở lại, ngoại trừ MACD vẫn phân kỳ âm trên biểu đồ ngày. Điều này cho thấy tín hiệu của giá vàng đã tích cực hơn nhiều so với thời điểm sau khi FED cắt giảm lãi suất. Theo đó, nếu vượt qua 1.454USD/oz, giá vàng có thể tăng lên mức 1.466- 1.477USD/oz. Ngược lại, giá vàng sẽ điều chỉnh trở lại về vùng 1.420USD/oz, kế tiếp là 1.400USD/oz.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp