Kho dự trữ vàng của Nga tiếp tục tăng hơn 31 tấn chỉ trong tháng 2/2019.
Sputnik mới đây dẫn dữ liệu mới được Ngân hàng Trung ương Nga công bố cho thấy, dự trữ vàng của Nga đã tiếp tục gia tăng.
Chỉ trong tháng 2/2019, Nga đã tiếp tục dự trữ 31,1 tấn vàng, tương đương mức 1,5% tổng dự trữ của nước này.
Hồi năm 2018, kho dự trữ vàng của Nga được báo cáo tăng lên 2.100 tấn vào năm ngoái.
Theo tài khoản của Ngân hàng Trung ương Nga, tính cả 6,22 tấn kim loại quý khác được mua trong tháng 1/2019, dự trữ hiện tại của Nga ở mức 2.149,25 tấn.
Theo Bloomberg , cách tiếp cận vàng của Nga đối với kim loại quý là một dấu hiệu cho thấy nước này tiếp tục đạt được “tiến bộ nhanh chóng trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn tài sản nhằm thoát khỏi tài sản của Mỹ”.
Đối với Nga, kho dự trữ vàng có nghĩa là an toàn khỏi các cú sốc địa chính trị và mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt cứng rắn của Mỹ trong bối cảnh quan hệ của hai nước tiếp tục xấu đi.
Với việc tăng dự trữ số lượng lớn, gần 275 tấn vàng trong năm 2018 trong khi sản lượng của các mỏ vàng của Nga khoảng 300 tấn vàng/năm, Bloomberg cho rằng, Nga đã bắt đầu thực hiện giao dịch mua vàng ở nước ngoài.
Oleg Kouzmin, nhà kinh tế trưởng tại công ty môi giới Renaissance Capital có trụ sở tại Moscow, nói: “Nếu đã đến giới hạn mua vàng trong nước, tôi nghĩ rằng, Ngân hàng Trung ương sẽ bắt đầu nhập khẩu vàng”.
Theo nhà kinh tế, mối quan hệ căng thẳng tiếp tục với Washington có nghĩa là dự trữ vàng thỏi của Nga sẽ tiếp tục tăng theo tỷ lệ phần trăm của tổng dự trữ.
Vàng đã chiếm gần 20% tổng dự trữ ngoại hối của Nga trong khi đồng USD giảm từ mức 46% vào giữa năm 2017 xuống còn 22% tổng dự trữ.
Nga đã bán bớt nợ của Mỹ vào năm 2017 trong tình hình căng thẳng quan hệ giữa hai nước và Washington có khả năng đóng băng tài sản Nga ở Mỹ nhằm gây áp lực tối đa với Moscow vì tình hình Ukraine.
Không chỉ tích trữ vàng để đối phó với Mỹ, Nga còn tìm cách hợp tác với Trung Quốc để giải quyết các lĩnh vực bị Mỹ trừng phạt.
Mỹ đã tuyên bố ngắt kết nối từ Nga cho các giao dịch thanh toán quốc tế theo tiêu chuẩn SWift – Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu.
Để đối phó với tình trạng này, Moscow đã phát triển hệ thống chuyển giao thông điệp tài chính SPFS vì nó có thể thúc đẩy thương mại song phương với các quốc gia khác trên quốc tế. Trung Quốc là một trong số quốc gia đã ủng hộ hệ thống này.
Mới đây, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết, một số ngân hàng Nga đã tham gia Hệ thống thanh toán quốc tế Trung Quốc (CIPS) cũng hoạt động tương tự SPFS.
Vladimir Shapovalov, người đứng đầu một bộ phận giao dịch với các nhà quản lý nước ngoài tại bộ phận hợp tác quốc tế của Ngân hàng Trung ương Nga cho hay: “Một loạt các ngân hàng Nga đã được kết nối với CIPS, cho phép tạo điều kiện thuận lợi cho thủ tục định tuyến thanh toán”.
Sự hợp tác hai chiều này mang đến cho Nga và Trung Quốc cách đối phó với chiến lược gây sức ép tối đa của Washington.
Theo Báo Đất Việt