Nhà đầu tư trong tuần sẽ theo dõi các số liệu kinh tế Mỹ để xác định ảnh hưởng của chúng đến USD, một trong những yếu tố tác động mạnh nhất đến vàng.
Mỹ trong tuần sẽ công bố số liệu lạm phát, sau khi Fed tháng trước thông báo sẽ kiên nhẫn hơn khi quyết định chính sách tiền tệ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) cùng số liệu bán lẻ, sản xuất công nghiệp cũng được cập nhật.
Nhà đầu tư cần theo dõi diễn biến trong vòng đàm phán thương mại Mỹ – Trung mới nhất, dự kiến bắt đầu vào ngày 11/2 tại Bắc Kinh. Giai đoạn đình chiến 90 ngày sẽ kết thúc vào ngày 1/3. Nếu hai bên không thể đạt thỏa thuận, Mỹ sẽ tăng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump và quốc hội cần đạt một thỏa thuận ngân sách muộn nhất là ngày 15/2 để tránh chính phủ liên bang bị đóng cửa.
Triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm đã giúp USD tăng giá trong tuần trước, khiến vàng có tuần giảm đầu tiên sau hai tuần tăng.
“Thị trường chứng khoán giảm nhẹ sẽ tạo ra một số luồng đầu tư vào vàng”, theo Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures. “Kinh tế Mỹ không có số liệu kém như eurozone đã thúc đẩy USD. Nếu USD yếu đi, giá vàng có thể tăng 7 hoặc 8 USD thay vì chỉ 3 USD”.
Dưới đây là một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá vàng trong tuần.
Ngày 11/2
- Anh công bố GDP và số liệu hoạt động sản xuất, công nghiệp.
Ngày 12/2
- Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại Mississippi.
Ngày 13/2
- Ngân hàng New Zealand công bố lãi suất chuẩn mới nhất.
- Anh công bố số liệu lạm phát.
- Mỹ công bố số liệu lạm phát.
Ngày 14/2
- Nhật Bản công bố số liệu GDP sơ bộ.
- Trung Quốc công bố số liệu thương mại gần nhất.
- Eurozone điều chỉnh tăng trưởng GDP và việc làm.
- Mỹ công bố số liệu doanh thu bán lẻ, PPI và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu.
Ngày 15/2
- Trung Quốc công bố số liệu lạm phát.
- Anh công bố số liệu doanh thu bán lẻ gần nhất.
- Mỹ công bố báo cáo về hoạt động công nghiệp và số liệu sơ bộ về tâm lý người tiêu dùng.
Theo NDH