Nền kinh tế Nhật Bản đang trải qua giai đoạn tăng trưởng dài nhất từ khi Thế chiến 2 kết thúc. Theo đó, trong tuyên bố ra ngày 29-1, Chính phủ Nhật Bản cho biết, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này đã chứng kiến mức tăng trưởng trong tháng thứ 74 liên tiếp kể từ tháng 12-2012.
Phát biểu tại một cuộc họp của chính phủ, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho rằng kinh tế nước này có thể vượt qua giai đoạn tăng trưởng dài nhất từ tháng 2/2002 đến tháng 2/2008, được gọi là Thời kỳ bùng nổ Izanami.
Tuy vậy, trong báo cáo kinh tế hàng tháng công bố tháng 1-2019, Văn phòng Nội các Nhật Bản vẫn giữ nguyên đánh giá nền kinh tế nước này “đang phục hồi ở mức vừa phải” thậm chí xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 1 còn giảm so với tháng trước đó do nhu cầu của các nước châu Á đối với sản phẩm công nghệ của Nhật giảm.
Báo cáo cũng cảnh báo về những rủi ro bên ngoài như căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc. Báo cáo này không thay đổi các đánh giá về các lĩnh vực chủ chốt khác của nền kinh tế, cho rằng chi tiêu tiêu dùng cá nhân vẫn đang gia tăng và đầu tư doanh nghiệp mạnh hơn.
Tuy nhiên, báo cáo cho rằng lạm phát không tăng, trong khi trong báo cáo tháng 12 nói rằng lạm phát tăng chậm hơn. Lạm phát giá tiêu dùng cốt lõi ở Nhật Bản hiện giảm xuống 0,7%, trong khi mục tiêu đề ra là 2%.
Đây là lần đầu tiên trong 3 tháng qua, Nhật Bản hạ mức đánh giá về xuất khẩu của nước này. Trong khi đó, GDP của Nhật Bản trong giai đoạn tăng trưởng hiện nay chỉ đạt trung bình 1,2%, thấp hơn mức 1,6% trong giai đoạn tăng trưởng từ tháng 2-2002 đến tháng 2-2008.
Dù các doanh nghiệp Nhật Bản ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục song chi tiêu cá nhân vẫn yếu do tăng lương chậm.
Tổng hợp