Tháng trước, Trung Quốc vừa thêm vàng vào dự trữ ngoại hối lần đầu tiên trong hai năm qua, ngay khi tiếp tục giảm tỉ lệ nắm giữ trái phiếu Mỹ, một phần của xu hướng giảm phụ thuộc vào USD trong bối cảnh quan hệ bất ổn với Washington, Nikkei Asian Review đưa tin.
Trung Quốc tăng dự trữ vàng
Dự trữ vàng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đạt 1.852 tấn vào cuối năm 2018, trị giá khoảng 76 tỉ USD, theo dữ liệu của ngân hàng trung ương Trung Quốc. Con số này đánh dấu mức tăng khoảng 10 tấn so với tháng 11/2018 và là lần tăng đầu tiên kể từ tháng 10/2016.
Bắc Kinh đã tăng mạnh dữ trữ vàng từ 1.054 tấn lên 1.658 tấn hồi tháng 6/2015 và tiếp tục tăng dần cho đến mùa thu năm 2016.
Trong khi đó, dự trữ trái phiếu Mỹ của Trung Quốc đã giảm tháng thứ 5 liên tiếp xuống 1.140 tỉ USD vào cuối tháng 10/2018, giảm 5% so với đỉnh hồi tháng 8/2017, theo dữ liệu của chính phủ Mỹ.
Vì khủng hoảng kinh tế khiến đồng nhân dân tệ trượt giá, Bắc Kinh có thể đã bán tháo tài sản bằng đồng USD để củng cố đồng tiền nước này. Đây cũng là nguyên nhân của sự sụt giảm về lượng nắm giữ trái phiếu Mỹ.
Trung Quốc đã giữ tổng dự trữ ngoại tệ ổn định ở mức hơn 3.000 tỉ USD trong hai năm qua bằng cách mua một loạt tài sản đa dạng hơn để thay thế cho khoản nợ chính phủ Mỹ đã bị bán ra. Sự gia tăng lượng vàng nắm giữ của Trung Quốc có thể là một phần của sự thay đổi này.
Giảm phụ thuộc vào USD
Do căng thẳng thương mại đang diễn ra, Trung Quốc “có lẽ sẽ muốn giảm sự phụ thuộc vào chứng khoán bằng đồng USD trong dự trữ ngoại tệ của họ”, ông Yusuke Miura, nhà kinh tế cấp cao tại Viện Nghiên cứu Mizuho của Nhật Bản, cho hay.
Trong tháng này, Bắc Kinh cho biết đã chỉ định Khu Tự trị Dân tộc Choang ở Quảng Tây, giáp với Việt Nam, trở thành đặc khu kinh tế nhằm liên kết Trung Quốc và Hiệp hội Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Ngoài việc thúc đẩy đầu tư tài chính xuyên biên giới, động thái này nhằm khuyến khích sử dụng đồng nhân dân tệ trong thương mại với ASEAN.
Bằng cách nâng cao triển vọng của một khối kinh tế lớn khỏi đồng bạc xanh, Bắc Kinh đang hi vọng đạt được lợi thế trong các cuộc đàm phán thương mại với báo cáo dự trữ ngoại hối mới nhất được công bố ngày 7/1, cùng ngày với vòng đàm phán cấp sự vụ cuối cùng với Mỹ.
Lo ngại lệnh trừng phạt từ Mỹ
Lệnh trừng phạt có lẽ là mối quan tâm lớn hiện nay. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo ngày 21/1 rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với tình hình quốc tế bất ổn và phải cảnh giác trước “thiên nga đen” – một thuật ngữ xuất phát từ giới tài chính khi nói đến những sự kiện không lường trước với hậu quả tàn khốc.
Nhiều khả năng Washington sẽ áp các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Trung Quốc, theo một nhà nghiên cứu tại một viện chính sách có liên kết với chính phủ Trung Quốc.
Năm 2017, Mỹ đã loại bỏ Ngân hàng Đan Đông chuyên cho vay trong khu vực ra khỏi hệ thống tài chính Mỹ vì cáo buộc tạo điều kiện cho các giao dịch bất hợp pháp liên quan đến Triều Tiên.
Nếu Washington làm điều tương tự với một ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc, thị trường tài chính có thể sẽ bị ảnh hưởng. Nỗ lực của Bắc Kinh trong việc tự giảm sự phụ thuộc vào USD dường như nhằm để chống lại rủi ro này, theo Nikkei Asia Review.
Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất giảm lượng nắm giữ trái phiếu Mỹ
Các quốc gia có mối quan hệ xấu đi với Washington cũng đang suy nghĩ theo cách tương tự. Lượng nắm giữ trái phiếu Mỹ của Nga đã giảm từ 87,5 tỉ USD cuối năm 2017 xuống 14,6 tỉ USD cuối tháng 12/2018 và phần lớn mức sụt giảm xảy ra ngay sau khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Trung Quốc vào tháng 4/2018.
Tỉ trọng thương mại Nga thực hiện bằng USD đã giảm xuống dưới 70% trong nửa đầu năm 2018 từ mức 80% năm 2013.
Nắm giữ trái phiếu Mỹ của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đạt 10,3 tỉ USD vào cuối tháng 10/2018, giảm 42,3 tỉ USD so với cuối năm 2017 sau khi việc Ankara bắt giữ một mục sư Mỹ dấy lên căng thẳng vì bị cáo buộc liên quan đến một cuộc đảo chính hồi năm 2016. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã giảm nắm giữ Kho bạc bằng đồng USD vì lo ngại Mỹ có thể thực hiện động thái như đóng băng tài sản.
Tỉ lệ dữ trự ngoại tệ bằng đồng USD trên thế xuống mức thấp nhất trong 5 năm, ở mức 61,9% vào cuối tháng 9/2018, theo Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Tỉ lệ tài sản bằng đồng nhân dân tệ lên tới 1,8%, ngang với đồng đô la Canada. Mức tăng này đạt được một phần là nhờ Nga sau khi quốc gia này đầu tư lại vào vàng, tài sản bằng đồng nhân dân tệ và euro bằng số tiền thu từ việc bán trái phiếu Mỹ.
Tuy nhiên, việc phá vỡ sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh sẽ khá khó khăn với Trung Quốc và Nga. Bắc Kinh nhiều khả năng không thể mua đủ tài sản thay thế cho lượng trái phiếu Mỹ nắm giữ khổng lồ.
Đối với Nga, USD là loại tiền tệ không thể thiếu trong giao dịch dầu và khí tự nhiên, vốn là cốt lõi của nền kinh tế quốc gia này.
Theo Kinh tế và Tiêu dùng