Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) ngày 16/1 bơm ròng 560 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 83 tỷ USD, vào hệ thống ngân hàng, đánh dấu cú bơm vốn kỷ lục trong 1 ngày và được xem là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đang đối mặt sức ép lớn.
Sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc đang gây ra báo động trên toàn thế giới, nhưng chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình đang nỗ lực để hạn chế thiệt hại.
Scott Kennedy, một chuyên gia về nền kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nhận định: “Sẽ cần nhiều hơn nữa để kéo Trung Quốc ra khỏi cảm giác suy thoái kinh tế”. Tốc độ tăng trưởng chính thức của Trung Quốc mong đợi vào khoảng 6,5% trong năm 2018, yếu nhất trong gần 3 thập kỷ qua và dự kiến sẽ giảm gần 6% trong năm nay. Nhưng nhiều nhà phân tích hoài nghi về tính chính xác của các số liệu mà chính phủ công bố và cho rằng tăng trưởng trong thực tế có thể thấp hơn nhiều. Rất nhiều báo động đỏ xuất hiện trong nền kinh tế hiện nay. Tháng 12-2018, xuất khẩu của Trung Quốc đã chịu sự sụt giảm bất ngờ, trong khi doanh số bán hàng vào năm 2018 lần đầu tiên giảm trong 20 năm qua.
“Thời điểm hiện tại đang là cao điểm của mùa đóng thuế, và tổng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng đang giảm xuống rất nhanh”, một tuyên bố đăng trên website của PBoC lý giải về đọng thái bơm vốn kỷ lục.
Trong vòng một năm trở lại đây, nhiều công ty Trung Quốc đã trở nên chật vật vì tăng trưởng kinh tế giảm tốc, khó khăn tài chính gia tăng, và nghĩa vụ phải cung cấp chế độ phúc lợi tốt hơn cho nhân viên. Trong đó, thiếu thanh khoản là một vấn đề lớn đối với không ít doanh nghiệp.
Ông Zhao Bowen, Giám đốc nghiên cứu thuộc Blue Stone Asset Management ở Bắc Kinh, cho biết doanh nghiệp Trung Quốc dự kiến phải đóng thuế hơn 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ trong tuần này – giai đoạn cao điểm của mùa đóng thuế. Hoạt động nộp thuế diễn ra đồng loạt khiến thanh khoản trong hệ thống ngân hàng giảm nhanh.
Động thái bơm 560 tỷ Nhân dân tệ của PBoC được thực hiện thông qua nghiệp vụ mua trái phiếu ngắn hạn từ các ngân hàng thương mại để các ngân hàng có thêm tiền mặt. Việc bán các trái phiếu này được gọi là mua repo, và hai nghiệp vụ hợp thành hoạt động thị trường mở (OMO) của ngân hàng trung ương.
Cơ sở dữ liệu tài chính Wind cho thấy đợt bơm vốn OMO kỷ lục trước đó của PBoC được thực hiện vào tháng 1/2016 – thời điểm kinh tế Trung Quốc cũng đang gặp khó.
“Chúng tôi tin rằng PBoC đang đẩy mạnh việc nới lỏng tiền tệ, nhưng không nên nhầm lẫn giữa các động thái thị trường mở mang tính chất mùa vụ với việc bơm thanh khoản dài hạn”, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc Ting Lu thuộc Nomura nhận xét. “Việc bơm vốn ngắn hạn phản ánh sự thận trọng gia tăng của PBoC nhằm bỉnh ổn lãi suất liên ngân hàng và lợi suất trái phiếu, ngăn ngừa nguy cơ xảy ra cú sốc thanh khoản”.
Đầu tháng này, PBoC đã công bố một đợt cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm giải phóng hơn 117 tỷ USD trong hệ thống ngân hàng.
Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng công bố nhiều biện pháp kích cầu nền kinh tế khác, bao gồm các kế hoạch giảm thuế cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Tổng hợp