Tham vọng của phe diều hâu trong chính quyền Trump là duy trì sự thống trị của Mỹ bằng cách ngăn cản sự phát triển của kinh tế Trung Quốc. Thật kỳ lạ là kinh tế Trung Quốc dường như đang lâm vào tình thế như vậy.
Rủi ro đối với bất kỳ nền kinh tế nào tiếp cận mức phát triển của Trung Quốc là sẽ bị mắc kẹt trong cái bẫy thu nhập trung bình. Một khi quá trình đô thị hoá và công nghiệp hoá quá dễ dàng để thực hiện thì các quốc gia có thể sẽ bị “mắc kẹt” trong sự trì trệ.
Châu Mỹ Latinh, Liên Xô cũ và những quốc gia lớn nhất khu vực Trung Đông chưa bao giờ tìm cách thu hẹp khoảng cách với Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Các quốc gia duy nhất thực sự thành công trong quá trình thay đổi đó là những quốc gia dầu mỏ, thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) và một số ít nền kinh tế châu Á định hướng xuất khẩu tương đối nhỏ, là Singapore hay Hàn Quốc.
Các nhà hoạch định kinh tế của Bắc Kinh dường như cũng nhận thức được rủi ro. Kế hoạch “Made in China 2025” như một nỗ lực nhằm xây dựng một nhóm các ngành công nghiệp xuất khẩu có giá trị cao có thể giúp nước này tránh khỏi cái bẫy nói trên. Theo một nghiên cứu năm 2017 của Ngân hàng Phát triển châu Á, đây là một trong những đặc điểm chính của một nền kinh tế đã đạt được thành tựu. Theo một tờ báo hợp tác với ngân hàng này, những nỗ lực đó vẫn là chưa đủ để thúc đẩy xuất khẩu bởi các sản phẩm trong đó phải đa dạng, tinh xảo và là loại sản phẩm khuyển khích vòng thuận của phát triển công nghệ.
Có thể đó là điểm mà ông Tập đang đưa đất nước đi sai hướng.
Việc xây dựng loại hình xuất khẩu đó là không thể dự đoán trước và chỉ đạt hiệu quả cao nhất khi một loạt các doanh nghiệp tư nhân có vô số cách tiếp cận khác nhau. Nhưng thời gian gần đây, ông Tập dường như lại đề cao vai trò của các doanh nghiệp nhà nước hơn là khu vực tư nhân.
Trong vòng 11 tháng, đầu tư tài sản cố định của các doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc đạt 37,8 nghìn tỷ NDT (5,5 nghìn tỷ USD) tính đến tháng 11 năm ngoái, tăng 18% so với 3 năm trước đó, theo dữ liệu của chính phủ. Trong khi đó, đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và nhà nước lại tăng gấp 2 lần con số đó, tương đương 36% lên 21,6 nghìn tỷ USD. Trong “cuộc chiến” giành vốn đầu tư từ những nhà cho vay của quốc gia, chính phủ đang dần lấn át khu vực tư nhân.
Tuy nhiên, Trung Quốc cần có sự tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. Năm 2013, các doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm 11% lô hàng ở nước ngoài, trong khi các công ty tư nhân chiếm 39% và 47% từ các chi nhánh địa phương của những công ty nước ngoài.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh trong hai thập kỷ qua nhanh đến mức nước này có thể đã không chú ý đến những điểm yếu nghiêm trọng ẩn sâu đằng sau đó. Nhưng điều đáng nhớ là thời kỳ hoàng kim của kinh tế Liên Xô và Nhật Bản cũng diễn ra sau giai đoạn trì trệ vẫn đang tiếp diễn.
Lực lượng lao động ở khu vực đô thị tăng cao đã thúc đẩy sự phát triển mạnh của Trung Quốc nhưng đã đi tới giới hạn, số lượng công nhân trong năm ngoái đã giảm gần bằng với Nhật Bản. Như nhà kinh tế học George Magnus viết trong cuốn sách “Red Flags” (tạm dịch: Những lá cờ đỏ) rằng: “theo định nghĩa, các quốc gia có thu nhập trung bình phức tạp như Trung Quốc đã dần “cạn kiệt” nếu không có tiềm năng tăng trưởng bằng cách triển khai và khai thác vốn vật chất và lao động.”
Sự giảm tốc của tăng trưởng kinh tế thể hiện rõ ràng ở tình trạng doanh số iPhone sụt giảm và năng suất lao động cũng đi xuống. Nền kinh tế nước này đang phải đối mặt với một khoảng thời gian khó khăn, ông Xiang Songzue, cựu kinh tế gia trưởng tại Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, cho biết.
Hiện tại, Bắc Kinh cần nỗ lực hết mình trên tất cả các lĩnh vực để duy trì hoạt động tăng trưởng. Thế nhưng chính sách “tự lực” của ông Tập ngày càng giống với chính sách công nghiệp hoá thay thế nhập khẩu được Mỹ Latinh sử dụng vào thời hậu chiến. Chính sách này mang lại tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc trong một khoảng thời gian nhưng cuối cùng lại khiến các quốc gia chìm trong nợ nần và mắc kẹt trong cái bẫy thu nhập trung bình.
Dẫu sao, Trung Quốc có khả năng và nhiều lợi thế để thoát khỏi tình trạng mà rất nhiều nền kinh tế đang phát triển phải đối mặt.
Theo Trí thức trẻ