Tranh chấp giữa Mỹ với Trung Quốc và Iran, chính sách cứng rắn của Thủ tướng Anh Boris Johnson với Nghị viện và Liên minh châu Âu, cũng như việc Argentina có thể quay trở lại chủ nghĩa dân túy, khiến tình hình kinh tế toàn cầu đang ở thế chênh vênh hơn bất kỳ lúc nào hết.
Những va chạm
Bất kỳ kịch bản nào trong số kể trên xảy ra, cũng có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng với hiệu ứng lan tỏa nhanh chóng, giáo sư kinh tế Nouriel Roubini – người đã dự báo chính xác cuộc khủng hoảng năm 2007, chia sẻ.
Đầu tiên và quan trọng nhất là cuộc chiến thương mại và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Thứ hai là tranh chấp đang bùng lên giữa Mỹ và Iran. Trong khi đó, ở châu Âu, tân Thủ tướng Anh là Boris Johnson đang leo thang căng thẳng với Liên minh châu Âu về Brexit. Cuối cùng là tại Nam Mỹ, nơi Argentina sẽ có những va chạm với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nếu như Alberto Fernández – ứng cử viên theo chủ nghĩa dân túy, đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 10 này.
Trong trường hợp đầu tiên, cuộc chiến thương mại, tiền tệ, công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ kéo các hoạt động sản xuất, thương mại, đầu tư và tiêu dùng rơi vào tình trạng trì trệ và đi xuống, đẩy nền kinh tế Mỹ và toàn cầu rơi vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng.
Tương tự, một cuộc xung đột quân sự giữa Mỹ và Iran sẽ khiến giá dầu tăng lên trên 100 USD/thùng, dẫn đến tình trạng lạm phát đình đốn, với đặc trưng là tăng trưởng kinh tế thấp và giá tiêu dùng leo thang.
Trong khi đó, cuộc khủng hoảng đến từ Brexit có thể không tự nó gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng chắc chắn sẽ tác động lên một châu Âu vốn đang rất dễ tổn thương, sau đó sẽ tràn sang các nền kinh tế khác.
Một quan điểm phổ biến hiện nay là “Brexit cứng” chỉ sẽ dẫn đến suy thoái nghiêm trọng ở Anh, vì nước này phụ thuộc vào thương mại với EU nhiều hơn. Ý nghĩ này thật ngây thơ, nhất là khi đặt trong bối cảnh khu vực đồng euro đã suy yếu đáng kể thời gian qua, với Hà Lan, Bỉ, Ireland và Đức đang tiến gần đến suy thoái và thực tế khu vực này cũng phụ thuộc rất nhiều vào thị trường xuất khẩu Anh quốc.
Với niềm tin kinh doanh của EU đã bị suy giảm do căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, một Brexit hỗn loạn sẽ là mồi lửa cuối đốt cháy mọi thứ. Nếu châu Âu rơi vào suy thoái, sẽ dẫn đến những ảnh hưởng khó lường đến tăng trưởng toàn cầu và châm ngòi cho một giai đoạn rủi ro mới. Nó thậm chí có thể dẫn đến các cuộc chiến tiền tệ mới, nếu giá trị của đồng euro và bảng Anh giảm quá mạnh so với các loại tiền tệ khác.
Một cuộc khủng hoảng tại Argentina cũng có thể gây ra hậu quả cho toàn cầu. Nếu Fernández đánh bại Tổng thống Mauricio Macri, sau đó hủy bỏ chương trình tài trợ của IMF trị giá 57 tỷ USD, Argentina có thể phải chịu một cuộc khủng hoảng tiền tệ tương tự như năm 2001 và rơi vào tình trạng vỡ nợ. Điều đó có thể dẫn đến cuộc tháo chạy của dòng vốn khỏi các thị trường mới nổi, gây ra khủng hoảng ở Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela, Pakistan, Lebanon và làm phức tạp thêm các vấn đề đối với Ấn Độ, Nam Phi, Trung Quốc, Brazil, Mexico và Ecuador.
Ai cũng sĩ diện
Trong cả 4 tình huống, các bên đều muốn giữ thể diện. Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn có một thỏa thuận với Trung Quốc, để ổn định nền kinh tế và thị trường chứng khoán trước khi ông tái tranh cử vào năm 2020; Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng muốn có một thỏa thuận để ngăn chặn sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc.
Nhưng cả hai đều không muốn phải tỏ ra nhượng bộ, vì điều đó sẽ làm suy yếu vị thế chính trị trong nước của họ và trao quyền cho phía bên kia. Tuy nhiên, nếu không có thỏa thuận vào cuối năm nay, những xung đột sẽ tiếp tục ngày càng leo thang và tồi tệ hơn.
Tương tự, ông Trump nghĩ rằng có thể “bắt nạt” Iran, bằng cách rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và áp dụng lệnh trừng phạt nghiêm khắc, nhưng Iran đã phản ứng bằng cách leo thang các hành động khiêu khích trong khu vực, khi biết rõ rằng ông Trump không thể “kham” được một cuộc chiến toàn diện và hậu quả đến từ sự tăng vọt của giá dầu. Hơn nữa, Iran cũng không muốn tham gia các cuộc đàm phán cho đến khi một số lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Với cả hai bên đều tỏ ra cứng rắn, trong khi cả Ả Rập Saudi và Israel đều đang hối thúc chính quyền Trump hành động, thì nguy cơ chiến sự gia tăng.
Có lẽ được truyền cảm hứng từ Trump, Thủ tướng Anh Johnson cũng “ngây thơ” nghĩ rằng, có thể sử dụng mối đe dọa về viễn cảnh Brexit cứng để gây áp lực, buộc EU đưa ra một thỏa thuận tốt hơn những gì người tiền nhiệm của ông đề xuất. Nhưng giờ đây, Nghị viện đã thông qua luật để ngăn chặn Brexit cứng. Một thỏa hiệp với EU về vấn đề biên giới của Ireland vẫn có thể xảy ra trước hạn chót ngày 31/10/2019 tới, nhưng xác suất xảy ra kịch bản Brexit cứng thực tế cũng tăng lên.
Ở Argentina, Fernández muốn có một thông điệp bầu cử rõ ràng khi đổ lỗi cho tất cả vấn đề của đất nước về phía đối thủ Marci và IMF. Tuyên ngôn của IMF là rõ ràng, nếu họ rút vĩnh viễn khoản tài trợ trị giá 5,4 tỷ USD tiếp theo và kết thúc gói cứu trợ, Argentina sẽ phải hứng chịu một sự sụp đổ tài chính khác. Nhưng Fernández cũng sẽ không nhượng bộ vì khoản nợ 57 tỷ USD là vấn đề đối với bất kỳ chủ nợ nào, khi đó IMF sẽ có những hạn chế để giúp các nền kinh tế yếu kém khác bởi sự sụp đổ của Argentina. Tương tự các trường hợp trên, một thỏa hiệp để giữ thể diện cho cả hai bên là tốt hơn cho tất cả, nhưng một cuộc đụng độ và khủng hoảng tài chính cũng không thể loại trừ.
Vấn đề là nếu muốn thỏa hiệp, đòi hỏi cả hai bên phải ngừng leo thang và thể hiện sự nhượng bộ, ngược lại nếu ai cũng cố gắng áp đặt lên phía bên kia thì những va chạm là không thể tránh khỏi. Tin tốt là trong cả 4 tình huống trên, mỗi bên vẫn đang còn thảo luận với bên kia, hoặc có thể cởi mở đối thoại nhằm giữ thể diện. Tin xấu là tất cả các bên vẫn còn cách rất xa bất kỳ một loại thỏa thuận nào.
Tồi tệ hơn, một số bên có bản ngã lớn và luôn muốn áp đặt để giành lợi ích cao hơn, hoặc sẵn sàng chấp nhận cuộc chiến thay vì phải tỏ ra nhượng bộ. Do đó, tương lai của nền kinh tế toàn cầu trước 4 nguy cơ trên ngày càng trở nên khó khăn.
Theo Khả Hân/doanhnhansaigon.vn