- Hàng loạt ngân hàng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay.
- Các nhà kinh tế học tại Nomura cảnh báo một thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu là hệ quả nhãn tiền.
Tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu có thể chỉ đạt 1% trong năm nay, theo thông tin từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF). Những dự đoán này xuất hiện thậm chí còn trước khi giá dầu giảm sâu hôm 9/3 và thị trường chứng khoán tại nhiều khu vực đối mặt với phiên giao dịch được coi là “thảm hại” nhất trong nhiều năm.
“Suy thoái kinh tế toàn cầu là điều khó tránh khỏi”, theo Rabobank, trong khi đó, định chế này cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 chỉ đạt khoảng 1,6%.
Trong năm 2019, kinh tế thế giới đã tăng trưởng 2,9%, theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF).
Số lượng ca nhiễm virus Covid-19 trên thế giới là gần 200.000. Virus này bùng phát tại Trung Quốc hồi cuối năm ngoái và đang có những ảnh hưởng tiêu cực lên nhiều nền kinh tế lớn, với hàng loạt các chuyến bay bị hủy bỏ, người dân “điên rồ mua sắm, tích trữ hàng hóa”. Nhiều quốc gia cũng đã áp dụng các chính sách cách ly nghiêm ngặt đối với công dân đến từ nước có dịch.
“Có thể có rất nhiều viễn cảnh xảy đến với nền kinh tế thế giới trong năm nay, điều đó còn phụ thuộc vào độ lây lan của virus cũng như mức độ thiệt hại của các nền kinh tế, những điều chúng ta chưa thể chắc chắn vào thời điểm hiện tại”, IIF chia sẻ.
“Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể chỉ đạt mức 1%, thấp hơn nhiều so với mức 2,6% trong năm ngoái. Và đây là mức thấp nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra năm 2009”, IIF cho biết thêm.
Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD), tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế Moody’s và nhiều định chế tài chính khác cùng hạ thấp triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay. OECD ước tính, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 chỉ đạt 2,4%, thấp hơn 0,5% so với dự báo trước đó được công bố vào tháng 11/2019. Moody’s cũng giảm triển vọng tăng trưởng GDP của nền kinh tế toàn cầu từ 2,4% xuống còn 2,1%.
“Trước đây, chúng tôi đánh giá những tác động của virus chủ yếu thông qua lực cầu tại Trung Quốc, sự di chuyển toàn cầu của người dân và năng suất của các doanh nghiệp khi bị tác động bởi sự gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu tại khu vực Đông Á”, Moody’s cho biết.
“Hiện tại, mọi thứ đã khá rõ ràng khi dịch bệnh lần này sẽ còn ảnh hưởng đến nhu cầu nội địa trên toàn thế giới, điều sẽ gây các tác động tiêu cực lên cả các hoạt động phi thương mại giữa các quốc gia và các khu vực”.
Ngày càng có nhiều người chọn hình thức làm việc tại nhà bởi virus đã lan rộng ra nhiều quốc gia và chính phủ các nước cũng có những khuyến cáo nhằm ngăn đà gia tăng của dịch bệnh. Người dân tại châu Âu đang ít sử dụng các loại hình phương tiện công cộng hơn. Họ cũng tránh đến các địa điểm tập trung đông người như bảo tàng, nhà hàng và rạp chiếu phim.
“Chúng tôi đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 xuống còn 2,8%. Đây sẽ là mức thấp nhất kể từ năm 2009”, theo Bank of America.
Trong khi đó, các nhà kinh tế học tại Nomura cảnh báo một thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu là hệ quả nhãn tiền.
“Đây sẽ là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu không bình thường chút nào, khi “liều thuốc” hiệu quả nhất không phải là các chính sách tài khóa hoặc tiền tệ, mà là các biện pháp kiểm soát sức khỏe toàn dân. Nếu như các biện pháp đó không thể phát huy tác dụng trong công cuộc kiềm chế sự lan rộng của Covid-19, các thị trường tài chính sẽ sớm phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thực sự”, Nomura cho biết.
Áp lực từ giá dầu
Tuy nhiên, các nhà kinh tế học cũng thừa nhận rằng bất cứ dự đoán nào trong thời điểm hiện tại đều mang một sự không chắc chắn nhất định.
“Có 2 diễn biến chính mà qua đó các thiệt hại có thể lớn hơn nhiều so với mức mà chúng ta đã dự đoán. Đầu tiên, virus có thể lan rộng trên một phạm vi lớn hơn so với chúng ta tiên lượng. Và thứ hai, ngay cả khi những dự đoán của chúng ta về dịch bệnh lần này là chính xác, thiệt hại của các nền kinh tế có thể lớn hơn so với dự kiến”, theo công ty nghiên cứu Capital Economics.
Giá dầu gần đây giảm trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và Arab Saudi đang có những dấu hiệu xấu đi. Nga không đồng ý gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Điều này có thể làm gia tăng áp lực lên nền kinh tế toàn cầu và dẫn tới việc các dự báo có thể sẽ tiếp tục bị hạ trong tương lai.
“Giá dầu giảm đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn đối với nền kinh tế toàn cầu trong tương lai gần, vì những đơn vị phải gánh chịu thiệt hại khi giá dầu giảm sẽ có những phản ứng nhanh hơn và mạnh mẽ hơn so với những bên được hưởng lợi”, theo Konstantinos Venetis, nhà kinh tế học kỳ cựu tại công ty nghiên cứu TS Lombard.
Athanasia Kokkinogeni, chuyên gia phân tích cấp cao về châu Âu tại công ty nghiên cứu Duckier Frontier, cho biết “giá dầu giảm sẽ khiến cuộc chơi có kẻ thắng, người thua, phụ thuộc nhiều vào việc quốc gia đó là một quốc gia nhập khẩu hay xuất khẩu dầu mỏ. Tuy nhiên, những tác động của virus Covid-19 sẽ nhấn chìm bất cứ những tín hiệu khả quan nào đến từ các quốc gia chuyên nhập khẩu dầu mỏ. Trong khi đó, virus sẽ càng làm trầm trọng hóa thêm những vấn đề mà các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ đang gặp phải”.
Theo NDH