Các NHTW dường như đang cố gắng giữ đồng tiền của mình ổn định và ngăn chặn dòng vốn tháo chạy thay vì đua nhau phá giá để tạo lợi thế cạnh tranh cho các nhà xuất khẩu.
Thị trường tiền tệ đang bị lôi vào cuộc chiến thương mại nảy lửa giữa Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, khác xa so với những lo ngại rằng các nước sử dụng đồng nội tệ của mình để làm vũ khí và thổi bùng lên chiến tranh tiền tệ, nhiều quốc gia đã buộc phải “xuất chiêu” để phòng vệ trước một đồng USD quá mạnh.
Theo Bloomberg, các NHTW dường như đang cố gắng giữ đồng tiền của mình ổn định và ngăn chặn dòng vốn tháo chạy thay vì đua nhau phá giá để tạo lợi thế cạnh tranh cho các nhà xuất khẩu. Hôm qua, Trung Quốc, Hàn Quốc và Indonesia cho biết họ đã thực hiện những bước đi cần thiết để hỗ trợ đồng nội tệ vì dự báo dòng vốn sẽ tháo chạy vì đồng tiền của họ giảm giá mạnh.
Trong khi đó, căng thẳng ngày càng leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới càng thôi thúc các nhà đầu tư tìm đến đồng bạc xanh và khiến nó tăng giá. Tuy nhiên, đồng USD mạnh lên cũng sẽ trở thành 1 thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách của nước Mỹ – những người đang tìm kiếm một tỷ lệ lạm phát cao hơn.
Ở thời điểm hiện tại, tâm điểm chú ý của thị trường là Trung Quốc và cách nước này đối phó với 1 đồng nhân dân tệ đang yếu đi. Trên thị trường quyền chọn, nhà đầu tư đang đặt cược có khoảng 35% khả năng nhân dân tệ sẽ phá đáy 7 nhân dân tệ đổi 1 USD vào cuối năm nay. Đây là ngưỡng chưa từng có kể từ khủng hoảng tài chính đến nay. Quay trở lại thời điểm cuối tháng 3, xác suất chỉ là 15%. Nếu kịch bản này thực sự xảy ra, căng thẳng với Mỹ sẽ càng dâng cao và tiền tệ của các thị trường mới nổi cũng sẽ bị kéo vào vòng xoáy giảm giá.
Theo Sebastien Galy, chiến lược gia tại quỹ đầu tư Nordea, “hậu quả của chiến tranh thương mại sẽ là USD tăng giá mạnh và dự trữ ngoại hối của các nước mới nổi bị cạn kiệt”, hối thúc nhà đầu tư đổ xô mua trái phiếu kho bạc Mỹ. Cuối cùng thì chỉ có 1 kẻ chiến thắng: đồng USD.
Thị trường tài chính quốc tế đang chìm trong lo ngại vì chiến tranh thương mại không hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Tính từ đầu tháng đến nay, hầu hết các đồng tiền mới nổi đều đã giảm giá mạnh so với USD. Trong đó CNY (nhân dân tệ giao dịch ở hải ngoại) giảm mạnh nhất, mất 2,5%, xuống còn 6,9036 nhân dân tệ đổi 1 USD trong phiên hôm qua (22/5) – gần chạm mức rẻ nhất kể từ năm 2018.
Tuần này đồng won Hàn Quốc cũng chạm đáy thấp nhất trong hơn 2 năm trở lại đây, và đồng rupiah của Indonesia thì lập đáy của 2019.
Mặc dù đồng nội tệ yếu sẽ có lợi cho xuất khẩu, NHTW các nước đã phát đi tín hiệu rằng mục tiêu của họ là chống lại kịch bản dòng vốn tháo chạy.
“Kinh tế Hàn Quốc chịu tác động lớn từ các diễn biến của làng công nghệ, trong khi đồng rupiah của Indonesia là một trong những đồng tiền bị tổn hại nhiều nhất khi USD tăng giá”, Lisa Synning – nhà quản lý tiền tệ đến từ Thụy Điển – nhận xét.
Hôm qua giới chức Hàn Quốc đã tổ chức họp khẩn để thảo luận về những diễn biến mới trên thị trường tiền tệ, trong khi NHTW Indonesia – vốn đã phải can thiệp vào thị trường trong thời gian gần đây – cho biết sẽ phối hợp với hệ thống ngân hàng và các định chế khác để giữ cho đồng rupiah ổn định.
NHTW Trung Quốc hôm qua cho biết đã thiết lập tỷ giá tham chiếu ở mức mạnh hơn dự định 3 ngày liên tiếp – động thái giúp hạn chế đà giảm giá của nhân dân tệ so với rổ ngoại tệ.
Sự kiện thương mại tiếp theo được nhà đầu tư quan tâm sát sao và mong chờ 1 bước ngoặt là cuộc gặp sắp tới giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump bên lề hội nghị G20 tại Nhật Bản. Nếu hai nhà lãnh đạo vẫn tiếp tục bất đồng và nhân dân tệ tiếp tục giảm giá, phản ứng của Trung Quốc sẽ là tâm điểm chú ý.
Cú sốc phá giá nhân dân tệ hồi tháng 8/2015 đã khiến 2.000 tỷ USD vốn hóa bốc hơi khỏi 31 thị trường mới nổi trong tháng đó. 19 trong số 24 đồng nội tệ của các quốc gia đang phát triển được Bloomberg theo dõi đã giảm giá, trong đó giảm mạnh nhất là ringgit của Malaysia, peso của Colombia và real của Brazil.
Tuy nhiên, các chuyên gia của Goldman Sachs vẫn dự đoán nhân dân tệ sẽ giảm giá một cách “từ từ và có trật tự” để xuống mốc 7 nhân dân tệ đổi 1 USD. Nguyên nhân là do các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã phát tín hiệu họ muốn giữ ổn định đồng nội tệ, trong khi để làm như vậy chỉ cần đến một lượng nhỏ dự trữ ngoại hối.
Theo Trí thức trẻ