Nền kinh tế của Trung Quốc đang rơi vào “vùng nguy hiểm” khi tăng trưởng trong quý III/2019 thấp hơn dự kiến, chỉ đạt 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh cuộc chiến thuế quan với Mỹ, các vấn đề trong nước của Trung Quốc bắt nguồn từ nền kinh tế giảm tốc đã làm quốc gia này nhanh chóng rơi vào suy thoái. Có thể thấy, sự phụ thuộc của Trung Quốc vào lượng hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ không lớn như một số chuyên gia, kể cả Tổng thống Trump đã nghĩ.
Trước khi thuế quan mới của Mỹ chính thức có hiệu lực, chỉ có khoảng một nửa số hàng hóa của Trung Quốc phải chịu thuế. Vì vậy, tiềm năng tác động trực tiếp đến GDP của Trung Quốc từ việc đánh thuế của Mỹ chỉ tương đương 1% GDP của Trung Quốc. Do vậy, cuộc chiến thuế quan không đủ tác động đến sự suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc trong những năm gần đây.
Mặt khác, Eswar Prasad, giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell và cựu Giám đốc tại Trung Quốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cho biết, trên thực tế, tăng trưởng của Trung Quốc bắt đầu có dấu hiệu chậm lại trước khi cuộc chiến thương mại bắt đầu.
Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã được điều tiết từ hai con số vào năm 2010 xuống chỉ còn 6,2% trong quý II/2019. Giới chuyên gia nhận định, cuộc chiến thương mại hầu như không góp phần đẩy nhanh sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc.
Việc Trung Quốc tăng trưởng chậm lại là kết quả của sự ưu tiên phân bổ tín dụng và các nguồn lực khác của Chủ tịch Tập Cận Bình cho các công ty nhà nước kém hiệu quả hơn so với các công ty tư nhân.
Hơn nữa, kể từ năm 2017, Bắc Kinh đã kiểm soát tín dụng rủi ro và thắt chặt các kênh ngân hàng trong nỗ lực loại bỏ nợ trong nền kinh tế có đòn bẩy tài chính cao. Điều này khiến các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp ở quy mô nhỏ, phải vật lộn để có quyền tiếp cận nguồn tài chính để đầu tư và mở rộng.
Bên cạnh đó, tình hình sản xuất kém sôi động trong bối cảnh ảnh hưởng mạnh mẽ từ thương chiến Mỹ – Trung cùng việc người tiêu dùng đang phải thắt chặt chi tiêu khiến doanh thu các mặt hàng đắt đỏ như ôtô giảm mạnh. Chính quyền địa phương Trung Quốc đang vật lộn để trả nợ cũng đã tạo ra bóng ma của một cuộc khủng hoảng nợ bao trùm quốc gia này.
Cuối cùng, sự không chắc chắn do căng thẳng thương mại với Mỹ cùng đã cản trở việc Trung Quốc kiểm soát tốc độ tăng trưởng nền kinh tế. Cui Fan, giáo sư tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế tại Bắc Kinh cho biết, sự sụt iảm đáng kể trong thương mại với Mỹ đã ảnh hưởng trực tiếp đến các công ty sản xuất có thị trường chính là Hoa Kỳ.
“Cho đến nay, mặc dù đã có tiến bộ đã đạt được giữa hai quốc gia, tuy nhiên vẫn còn những bất ổn lớn xoay quanh chuyện các cuộc đàm phán sẽ đi xa đến đâu. Và điều này sẽ tiếp tục làm suy giảm niềm tin kinh doanh, ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư của doanh nghiệp và tác động tiêu cực lên nền kinh tế”, ông Fan nhận định.
Mặc dù Trung Quốc không thể duy trì tốc độ tăng trưởng hai con số mà họ đạt được hưởng trong thập kỷ trước, nhưng các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh đã cố gắng quản lý việc giảm tốc của nền kinh tế ở mức phù hợp hơn với hiện trạng một quốc gia có thu nhập trung bình.
Tăng trưởng của 6.0% vẫn được cho là ở mức cao trong số các nền kinh tế lớn của thế giới khi xét trong thực tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay. Do đó, chính phủ Trung Quốc cũng hạn chế hơn trong việc sử dụng các biện pháp kích thích tài chính và có khả năng giữ các chính sách kinh tế vĩ mô trong tầm kiểm soát như hiện trừ khi có những dấu hiệu rõ ràng hơn về sự đình trệ trong tăng trưởng.
Vừa qua, tại lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Đa Quốc gia Thanh Đảo trong ngày 19/10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhắc lại cam kết tiếp tục mở rộng thị trường cho các công ty và nhà đầu tư trên toàn thế giới. Đồng thời, ông khẳng định,”chỉ khi thế giới tốt đẹp, thì Trung Quốc mới tốt đẹp. Chi khi Trung Quốc tốt đẹp, thì thế giới mới có thể trở nên tốt hơn”.
Có thể thấy nỗ lực của Trung Quốc trong việc cải thiện cơ cấu kinh tế, cũng như thúc đẩy cải cách và mở cửa. Nhưng chắc chắn, sẽ không dễ có những thay đổi sớm diễn ra ngay cả khi những căng thẳng trong cuộc thương chiến kéo dài giữa Bắc Kinh và Washington được tháo gỡ phần nào. Nếu không có chính sách điều tiết kịp thời, giấc mơ “cường quốc” của nền kinh tế lớn nhất châu Á sẽ bị thu nhỏ nhanh chóng.
Theo Cẩm Anh/enternews.vn