Hầu hết các báo cáo đều cho thấy, năm 2019, triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ ảm đạm, với tăng trưởng giảm, trong khi bất định tăng. Theo các nhà phân tích, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, bất ổn ở khu vực Eurozone, giá dầu giảm hay nợ toàn cầu cao… đều là những nhân tố có thể định hình kinh tế thế giới năm nay.
Kinh tế thế giới đối mặt những rủi ro lớn trong năm 2019
Các nhà phân tích của trang mạng Bloomberg (Mỹ) đã đưa ra dự báo về các rủi ro hàng đầu đối với nền kinh tế toàn cầu trong năm 2019.
Đà sụt giảm khó cưỡng
Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất công bố tháng 11.2018, Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) cảnh báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã đạt đỉnh điểm và đối mặt với sự suy giảm khó cưỡng lại. Báo cáo của OECD cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ mức 3,7% đưa ra năm 2018 xuống còn 3,5% vào các năm 2019 và 2020. Báo cáo của công ty nghiên cứu đầu tư Goldman Sachs cũng cho rằng, kinh tế thế giới sẽ chậm lại ở mức vừa phải, giảm từ 3,8% năm 2018 xuống 3,5% năm 2019.
Với từng quốc gia, OECD đã điều chỉnh giảm nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc xuống còn 6,6% năm 2018, 6,3% năm 2019 và 6% năm 2020; hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản từ 1,2% xuống 0,9% năm 2018 và từ 1,2% xuống còn 1% năm 2019. Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới được dự báo tăng 0,7% vào năm 2020. Tuy nhiên, tổ chức này giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Mỹ lần lượt 2,9%, 2,7% và 2,1% cho các năm 2018, 2019 và 2020. Kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) dự kiến tăng 1,9% năm 2018, 1,8% năm 2019 và 1,6% năm 2020, giảm nhẹ so với các dự báo trước đó. OECD cũng hạ dự báo tăng trưởng đối với hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Trong đó, Đức bị hạ 0,2 điểm xuống còn 1,9% năm 2018 và 0,3 điểm xuống 1,8% năm 2019. Pháp bị hạ 0,3 điểm xuống 1,6% năm 2018 và 0,1 điểm xuống 1,8% năm 2019.
Những phép thử quan trọng
Các nhà phân tích cho rằng, năm 2019 dự báo sẽ có nhiều phép thử quan trọng, có thể ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng toàn cầu. Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt được thỏa thuận “đình chiến” nhằm tạm ngừng cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, nhưng điều này không có nghĩa rằng căng thẳng thương mại Mỹ – Trung đã kết thúc. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo, sự leo thang căng thẳng thương mại Mỹ – Trung có thể khiến tăng trưởng toàn cầu giảm 0,8 điểm phần trăm, do thương mại là động lực chính của tăng trưởng. Không ít nhà quan sát dự báo, đình chiến tạm thời hiện nay có thể chấm dứt và rủi ro Mỹ – Trung Quốc áp thêm thuế nhập khẩu và nhiều rào cản khác giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn có thể xảy ra. Trong một tín hiệu lạc quan, Trung Quốc đã nhượng bộ đáng kể khi đồng ý nhiều yêu cầu của Mỹ như cam kết mở cửa thị trường hơn cho các công ty nước ngoài, giảm bớt tham vọng dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất và công nghệ vào năm 2025…
Năm 2019, nhiều nước ở EU và Nghị viện châu Âu sẽ bước vào mùa bầu cử, trong bối cảnh làn sóng dân túy và cực hữu đang trỗi dậy mạnh mẽ trên khắp lục địa già. Trên thực tế, các cuộc bầu cử ở một số nước như Hà Lan, Pháp, Hungary, Thụy Điển thời gian qua cũng đã chứng kiến sự bứt phá của các đảng cánh hữu. Vì vậy, không loại trừ khả năng sẽ có sự thay đổi lớn về chính trị ở khu vực này, ảnh hưởng không nhỏ về kinh tế – xã hội của các nước và khu vực. Cùng với đó, Anh sẽ rời EU vào tháng 3.2019 cho dù hai bên có đạt được thỏa thuận “ly hôn” hay không. Các nhà phân tích cho rằng, những yếu tố bất định về chính trị đặt ra nhiều thách thức không chỉ với kinh tế khu vực châu Âu mà cả kinh tế toàn cầu.
Năm đầy biến động của giá dầu, khi kết thúc năm chứng kiến giá dầu thế giới sụt giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 15 tháng, quanh mức 50 USD/thùng sau khi tăng lên trên 75 USD/thùng vào tháng 10. Giá dầu giảm phản ánh nhu cầu thấp và nguồn cung vẫn bùng nổ, trong bối cảnh Mỹ đẩy mạnh khai thác dầu đá phiến. Nếu giá dầu tiếp tục giảm trong năm tới sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế phụ thuộc vào năng lượng.
Tổng hợp