25 C
Hanoi
23/11/2024
GiaVang.Net
Image default
Tin mới nhất Vàng Vàng thế giới

Chống đô la hóa, các ngân hàng trung ương toàn cầu mua vàng với số lượng kỷ lục

Theo State Street Global Advisors, các ngân hàng trung ương toàn cầu đã mua lượng vàng kỷ lục kể từ đầu năm 2022. Xu hướng này được cho là sẽ tiếp tục khi các quốc gia tìm cách thoát khỏi tình trạng “tập trung quá mức” dự trữ vào đồng đô la.

Trong một báo cáo gần đây, nhà quản lý quỹ State Street Global Advisors cho biết các cơ quan tiền tệ trên khắp các quốc gia đã mua ròng 387 tấn vàng trong nửa đầu năm 2023. Khối lượng dự trữ vàng vào năm 2022 là 1.083 tấn – mức mua ròng cao nhất được ghi nhận kể từ năm 1950 và là năm thứ 13 liên tiếp các ngân hàng trung ương mua ròng vàng.

Theo State Street Global Advisors, ngoài việc đa dạng hóa dự trữ, xu hướng này còn được thúc đẩy bởi mong muốn của các ngân hàng trung ương trong việc củng cố bảng cân đối kế toán và tăng tính thanh khoản mà không gây thêm rủi ro tín dụng.

“Những lý do thúc đẩy việc mua vàng của ngân hàng Trung ương bao gồm đa dạng hóa dự trữ, cải thiện bảng cân đối kế toán và tăng thanh khoản từ một tài sản không có rủi ro tín dụng. Xu hướng này có thể sẽ không thay đổi do rủi ro kinh tế và địa chính trị ngày càng tăng hiện nay”, ông Maxwell Gold, chuyên gia thị trường vàng tại State Street, phân tích.

Ông nói thêm: “Vì vậy, khi nhìn về phía trước, chúng tôi kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục mua ròng vàng”.

Theo dữ liệu mới nhất do Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) tổng hợp, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã bổ sung tổng cộng 77 tấn vàng vào kho dự trữ trong tháng 8.

Đây là tháng thứ ba liên tiếp các nước mua ròng. Trong ba tháng qua, lượng mua ròng của các ngân hàng trung ương đạt tổng cộng 219 tấn.

Trong ba tháng 3, 4 và 5, các ngân hàng trung ương đã ghi nhận hiện tượng bán vàng, chủ yếu do Thổ Nhĩ Kỳ bán đi 160 tấn vàng trong khoảng thời gian 3 tháng đó. Theo WGC, đó là một phản ứng cụ thể và không phản ánh thay đổi trong chiến lược vàng dài hạn của Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ đã quay trở lại mua vàng vào tháng 6 và vừa mua thêm 14,7 tấn vào tháng 8, cùng với Trung Quốc, Ba Lan và Uzbekistan là những nước mua nhiều nhất trong tháng.

Theo WGC, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã khôi phục hạn ngạch nhập khẩu vàng vào đầu tháng 8. Có một số suy đoán rằng tình trạng thiếu hụt trong nước có thể dẫn đến việc ngân hàng trung ương phải bán vàng để đáp ứng nhu cầu, nhưng rõ ràng không phải vậy.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc là ngân hàng mua lớn nhất trong tháng 8, bổ sung 28,9 tấn vàng vào kho dự trữ. Đây là tháng thứ 10 liên tiếp Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nhập khẩu vàng. Trung Quốc vẫn là nước mua vàng lớn nhất từ đầu năm đến nay, tăng thêm 166 tấn kể từ đầu năm và 217 tấn kể từ khi nối lại hoạt động mua vào tháng 11/2022. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hiện nắm giữ 2.165 tấn vàng, chiếm 4% tổng các kho dự trữ.

Trên thực tế, luôn có suy đoán rằng Bắc Kinh nắm giữ nhiều vàng hơn con số công bố chính thức. Theo chuyên gia Jim Rickards, Bắc Kinh có thể nắm giữ hàng nghìn tấn vàng “ngoài sổ sách” tại một cơ quan riêng gọi là Cơ quan Quản lý Ngoại hối Nhà nước (SAFE). Nhiều nhà phân tích tin rằng Trung Quốc bí mật dự trữ vàng nhằm giảm thiểu rủi ro với đồng USD.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Quốc gia Ba Lan đã bổ sung 14,9 tấn vàng vào kho dự trữ, nâng tổng sản lượng tính đến thời điểm hiện tại lên 88 tấn.

Vào mùa thu năm 2021, Chủ tịch Ngân hàng Ba Lan Adam Glapiski cho biết ngân hàng trung ương này có kế hoạch bổ sung 100 tấn vàng dự trữ vào năm 2022. Không rõ tại sao ngân hàng này không làm theo kế hoạch, nhưng hiện chỉ còn thiếu 12 tấn của mục tiêu đã nêu.

Khi công bố kế hoạch mở rộng dự trữ vàng, ông Glapinski cho biết tích trữ vàng là một vấn đề an ninh và ổn định tài chính.

Vàng vật chất sẽ giữ nguyên giá trị ngay cả khi hệ thống tài chính toàn cầu bị ‘cắt điện’, phá hủy vàng tài sản ảo. Tất nhiên, chúng tôi không cho rằng điều này sẽ xảy ra. Nhưng như người ta vẫn nói ‘đừng mất bò mới lo làm chuồng’”, ông Glapiski nhấn mạnh.

Về phần mình, Ấn Độ mua lượng vàng tương đối nhỏ trong bốn tháng qua. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đã tăng lượng nắm giữ thêm 1,9 tấn vào tháng 8.

RBI bổ sung tổng cộng tấn trong quý I năm nay. Kể từ khi tiếp tục nhập khẩu vào cuối năm 2017, RBI đã mua hơn 200 tấn vàng. Vào tháng 8/2020, có báo cáo rằng RBI đang xem xét tăng đáng kể lượng vàng dự trữ.

Nga báo cáo tăng thêm 3,1 tấn vàng dự trữ, nâng lượng vàng trở lại mức cũ của đầu năm. Nga là một người mua lớn trước khi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. Tháng trước, có thông tin cho rằng Nga sẽ bắt đầu mua ngoại tệ và vàng trong những tháng tới, song hầu như không có chi tiết về kế hoạch này.

Uzbekistan đã quay trở lại mua vàng với lượng mua 8,7 tấn. Việc các ngân hàng mua hàng sản xuất trong nước – như Uzbekistan và Kazakhstan – chuyển đổi giữa mua và bán không phải là hiếm. Kazakhstan đã báo cáo lượng mua nhỏ nửa tấn trong tháng 8.

Ba ngân hàng trung ương khác cũng mua vàng tháng 8 là Séc (1,7 tấn), Kyrgyzstan (0,7 tấn) và Singapore (1,6 tấn).

WGC mô tả hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương là “lành mạnh”.

Ngay cả với đợt bán vàng lớn của Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu năm nay, lượng vàng mua ròng của các ngân hàng trung ương vẫn đạt tổng cộng 387 tấn trong nửa đầu năm nay. Đó là tổng số cao nhất trong nửa đầu năm kể từ khi tổ chức này bắt đầu tổng hợp dữ liệu hàng quý vào năm 2000. Điều này tiếp tục xu hướng tăng dự trữ vàng mà chúng ta đã thấy vào năm ngoái.

Xu hướng này dường như là một phần của phong trào phi đô la hóa nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong thương mại và đầu tư.

Mỹ từng tận dụng ưu thế của đồng bạc xanh để áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với một số quốc gia. Trung Quốc và Nga dẫn đầu phong trào chống đồng đô la. Nhóm các quốc gia BRICS cũng cân nhắc tạo ra một loại tiền tệ chung.

Ông Gold cho hay: “Trong những năm gần đây, hệ thống thanh toán của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) đã được sử dụng để áp đặt các lệnh trừng phạt đối với cả Iran vào năm 2015 và đối với Nga vào năm 2022 – một chiến thuật được mô tả là “vũ khí hóa”.

Vị chuyên gia nói thêm: “Nếu một chính phủ coi các biện pháp trừng phạt quốc tế là mối đe dọa thực sự, thì việc chuyển từ tài sản bằng USD sang vàng sẽ trở nên cực kỳ hấp dẫn, đặc biệt trong các kịch bản bị trừng phạt đa phương bởi một số quốc gia có tiền tệ dự trữ”.

Mua vàng chỉ là một khía cạnh của quá trình phi đô la hóa. Một số quốc gia cũng đang tìm cách nâng cao vai trò đồng tiền của mình trong các giao dịch xuyên biên giới. Trung Quốc và Ấn Độ đã khởi xướng các thỏa thuận thương mại, trong khi Indonesia gần đây đã thành lập lực lượng đặc nhiệm quốc gia để mở rộng việc sử dụng các giao dịch bằng đồng nội tệ với các nước đối tác.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, phi đô la hóa là một “quá trình không thể đảo ngược” và đang đạt được động lực.

Trong khi một số chuyên gia coi các nỗ lực chống đồng bạc xanh là mối đe dọa ngày càng tăng đối với đồng tiền của Mỹ, thì những người khác lại coi phong trào này là vô nghĩa.

Theo Khảo sát dự trữ vàng năm 2023, 24% ngân hàng trung ương có kế hoạch bổ sung thêm vàng vào kho dự trữ trong 12 tháng tới. 71% ngân hàng trung ương được khảo sát tin rằng mức dự trữ toàn cầu nhìn chung sẽ tăng lên trong 12 tháng tới.

Giavang.net

Đang tải....