Quốc gia này là một trung tâm quan trọng trong thương mại vàng quốc tế, với 4 nhà máy luyện vàng lớn, sản xuất 2/3 lượng vàng của thế giới.
Quốc gia này là một trung tâm quan trọng trong thương mại vàng quốc tế, với 4 nhà máy luyện vàng lớn, sản xuất 2/3 lượng vàng của thế giới.
Thụy Sĩ nhập khẩu lượng vàng kỷ lục từ Nga
Theo tờ Swissinfo (Thụy Sĩ), kể từ cuối tháng 2/2022 đến cuối tháng 6/2023, 75 tấn vàng có nguồn gốc từ Nga đã được chuyển tới các nhà máy luyện và đúc vàng của Thụy Sĩ.
Nếu tính từ năm 2021 thì tổng cộng 110 tấn vàng, trị giá hơn 6,6 tỷ USD, đã được chuyển qua các nhà máy tinh luyện có trụ sở tại Thụy Sĩ. Những con số này cho thấy quốc gia châu Âu đang gia tăng mạnh lượng vàng nhập khẩu có nguồn gốc từ Nga.
Trước ngày 24/2/2022, Thụy Sĩ nhập khẩu trung bình 20 tấn vàng của Nga mỗi năm. Tính riêng 5 tháng đầu năm 2023, 38 tấn vàng từ Nga đã được chuyển tới Thụy Sĩ qua London.
Cho tới trước năm 2018, Nga mới chỉ xuất khẩu một lượng vàng nhỏ sang Anh. Tuy nhiên, khối lượng vàng xuất khẩu sau đó “bùng nổ”. Từ năm 2019 cho tới tháng 2/2022, Nga đã bán 700 tấn vàng cho London.
Lý giải về sự gia tăng này, chuyên gia kim loại quý Bernhard Schnellmann ở Thụy Sĩ giải thích rằng: “Ngân hàng Trung ương Nga đã ngừng mua (vàng) vào giữa năm 2019, rồi hủy bỏ thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với vàng. Xuất khẩu vàng sau đó đã tăng ồ ạt”.
Thụy Sĩ đã ban hành lệnh cấm “mua, nhập khẩu hoặc vận chuyển vàng từ Nga” vào tháng 8/2022. Tuy nhiên, cơ quan hải quan Thụy Sĩ cho biết việc nhập khẩu vàng có nguồn gốc từ Nga vào Thụy Sĩ trong thời gian gần đây đều hợp pháp và quy trình nhập khẩu đã được kiểm tra đầy đủ.
Hải quan Thụy Sĩ cho biết mặc dù số vàng này có nguồn gốc từ Nga nhưng đã được xuất khẩu sang Anh từ trước tháng 2/2022 nên không vi phạm lệnh cấm.
Dẫu vậy, việc Thụy Sĩ nhập khẩu vàng từ Nga vẫn khiến Liên minh châu Âu (EU) hết sức đau đầu.
Sức nặng của vàng với kinh tế Thụy Sĩ
Theo Reuters, Thụy Sĩ là một trung tâm quan trọng trong thương mại vàng quốc tế, với 4 nhà máy luyện vàng lớn, sản xuất 2/3 lượng vàng của thế giới.
Nói cách khác, hầu hết vàng trên thế giới đều đi qua Thụy Sĩ. Các nhà máy luyện vàng của nước này sẽ xử lý 70% lượng vàng chưa tinh chế được khai thác trên thế giới mỗi năm. 4 trong 9 công ty lớn của ngành công nghiệp vàng toàn cầu đều tiến hành hầu hết các hoạt động kinh doanh của họ tại Thụy Sĩ.
Theo Swissinfo, mặc dù vàng ở Thụy Sĩ có nguồn gốc từ 90 quốc gia khác nhau nhưng gần một nửa được nhập khẩu từ Anh, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) hoặc Hong Kong (Trung Quốc).
Thụy Sĩ cũng nhập khẩu một lượng vàng đáng kể từ các quốc gia coi vàng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, vi dụ như Burkina Faso (nơi vàng chiếm 72% kim ngạch xuất khẩu của đất nước), Ghana (51%) và Mali (77%).
Các nhà máy luyện vàng của Thụy Sĩ sẽ xử lý 70% lượng vàng chưa tinh chế được khai thác trên thế giới mỗi năm.
Ngành luyện vàng đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế Thụy Sĩ. 24% kim ngạch xuất khẩu và 31% kim ngạch nhập khẩu của Thụy Sĩ có liên quan trực tiếp đến vàng.
Vào năm 2017, 2404 tấn vàng đã được nhập khẩu vào Thụy Sĩ, với tổng giá trị 80,7 tỷ USD. Trong cùng năm đó, Thụy Sĩ đã xuất khẩu vàng với tổng giá trị 77,2 tỷ USD.
Để so sánh thì trong cùng thời kỳ, các nhà sản xuất đồng hồ của Thụy Sĩ xuất khẩu khoảng 24 triệu đồng hồ để bàn và đồng hồ đeo tay, trị giá khoảng 23 tỷ USD, trong khi các hãng sản xuất socola chỉ đạt mức 128.000 tấn với tổng giá trị 1,15 tỷ USD.
Nếu muốn sánh ngang với thành tích của ngành vàng, các ngành này sẽ phải xuất khẩu được 85 tỷ thanh socola hoặc 85 triệu chiếc đồng hồ.
Tại Thụy Sĩ, chỉ ngành dược phẩm là có sức nặng hơn ngành vàng. Trong năm 2017, các công ty dược phẩm Thụy Sĩ đã đạt kim ngạch xuất khẩu 113 tỷ USD.
Vấn đề về nguồn gốc của vàng từng gây tranh cãi tại Thụy Sĩ. Ví dụ, như đã đề cập ở trên, gần một nửa số vàng nhập vào Thụy Sĩ đến từ Anh, UAE và Hong Kong (Trung Quốc) nhưng những quốc gia/vùng lãnh thổ này cũng chỉ là điểm dừng thứ hai trên hành trình của vàng chưa tinh chế đến từ các nơi khác trên thế giới.
Marc Ummel, người đứng đầu chính sách phát triển trong lĩnh vực nguyên liệu thô tại Swissaid cho biết: “Các công ty luyện vàng đa quốc gia ở Thụy Sĩ biết rất rõ nguồn nguyên liệu thô của họ đến từ đâu. Họ chỉ không nói ra mà thôi”.
Chính phủ Thụy Sĩ cũng từng đề cập trong một bản báo cáo rằng nguồn gốc của vàng cần phải được truy xuất rõ ràng, nhưng trên thực tế, các cơ quan quản lý của Thụy Sĩ cũng chỉ nắm được quốc gia trực tiếp xuất khẩu vàng sang nước này, chứ không phải quốc gia xuất xứ thực sự.
Đối với ông Ummel, câu trả lời cho vấn đề này rất đơn giản: “Chúng tôi kêu gọi chính phủ yêu cầu Cục Hải quan tìm ra nguồn gốc của vàng được đưa tới, và phải tìm sâu hơn nữa, không chỉ dừng ở quốc gia trực tiếp xuất khẩu chúng sang Thụy Sĩ”.
Theo Cafef