20 C
Hanoi
22/11/2024
GiaVang.Net
Image default
Tin mới nhất Vàng Vàng thế giới Vàng trong nước

Chống vàng hóa, vàng lậu: Chưa có hồi kết

Dù giá vàng trong nước tăng cao nhưng nhu cầu tiêu dùng vàng của người dân không ngừng tăng. Theo báo cáo của Hội đồng vàng Thế giới, năm 2022, người Việt đã mua 18 tấn vàng trang sức, mức cao kỷ lục trong vòng 14 năm qua. Tăng trưởng nhu cầu vàng của Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN, với mức tăng 37% trong năm 2022.

Nhu cầu “tích trữ” cao khiến nguy cơ vàng lậu thâm nhập vào Việt Nam ngày một gia tăng.

Giá cao

Ngày 22/2, giá vàng miếng SJC trong nước quanh mức 66,2 – 67 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Trong khi đó, giá vàng thế giới ở mức 1.844 USD/ounce. Theo tỷ giá hiện hành, giá vàng thế giới rơi vào mức khoảng 53,2 triệu đồng/lượng (chưa kể thuế phí). Dù cùng tuổi vàng 9999 nhưng giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới tới 14 triệu đồng/lượng. Một số thời điểm khi nhu cầu vàng trong nước tăng cao như ngày vía Thần tài (mùng 10 tháng Giêng), giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới tới 20 triệu đồng/lượng.

Một trong những nguyên nhân khiến giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới là khan hiếm nguồn cung. Từ khi Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng có hiệu lực (trong khoảng 10 năm trở lại đây), Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng và không nhập vàng. Trả lời trước Quốc hội, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định duy trì quan điểm không nhập khẩu vàng để tránh “vàng hóa” nền kinh tế.

Dù giá vàng trong nước tăng cao nhưng nhu cầu tiêu dùng vàng của người dân không ngừng tăng. Theo báo cáo của Hội đồng vàng Thế giới, năm 2022, người Việt đã mua 18 tấn vàng trang sức, mức cao kỷ lục trong vòng 14 năm qua. Tăng trưởng nhu cầu vàng của Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN, với mức tăng 37% trong năm 2022.

Theo số liệu của Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TPHCM, vàng trang sức mỹ nghệ, sản xuất và tiêu thụ hằng năm đều tăng. Từ năm 1991-2021, cả nước sản xuất và tiêu thụ gần 50 tấn vàng trang sức mỹ nghệ mỗi năm, doanh thu xuất khẩu vàng trang sức vào khoảng 20-30 triệu USD/năm. Vàng nữ trang của Việt Nam được xuất sang thị trường châu Á và vào thị trường châu Âu như Đức, Đan Mạch, Pháp.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng đá quý, kim loại quý và sản phẩm hằng năm khoảng 1-2 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 2,1 tỷ USD (tăng 231,2% so với cùng kỳ năm 2018), năm 2020 là 2,6 tỷ và năm 2022 ở mức hơn 1 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là đồ kỹ nghệ và các bộ phận của đồ kỹ nghệ bằng vàng, đã hoặc chưa mạ hoặc phủ kim loại quý.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Chính sách công của Hội đồng Vàng Thế giới cho biết, hiện phí trả thêm cho sản phẩm vàng tại Việt Nam tương đối cao do thiếu nguồn cung. Nghị định 24 có hiệu lực đã hạn chế nguồn cung vàng nhập khẩu. Tuy nhiên, bất chấp hạn chế nguồn nhập khẩu, sản xuất và chi phí trả thêm, người dân Việt Nam vẫn rất ưa chuộng vàng.

“Tại Việt Nam, mua và lưu trữ vàng được xem là an toàn và có khả năng bảo vệ nhà đầu tư trước lạm phát. Theo kết quả khảo sát người tiêu dùng tại Việt Nam của Hội đồng Vàng Thế giới, vàng vượt trội hơn hẳn các kênh đầu tư khác, trở thành kênh đầu tư phổ biến được hơn 68% nhà đầu tư tại Việt Nam ưu tiên đầu tư. Có 81% người được khảo sát coi mua và trữ vàng là một biện pháp bảo vệ hiệu quả trước sự bất ổn chính trị hoặc kinh tế”. ông Andrew Naylor

Ông Andrew Naylor cũng cảnh báo, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lớn, tồn tại rủi ro cao khi một số bộ phận thiểu số có ý trục lợi và nhập vàng từ những nguồn cung không chính thống. Ông Andrew Naylor đề xuất, thời gian tới, Việt Nam nên cân nhắc chính sách để thị trường vàng tự điều tiết, tránh tình trạng độc quyền nhập khẩu dẫn đến chênh lệch giá cao so với thế giới.

Buôn lậu phức tạp

Ông Nguyễn Văn Lịch, Phó Cục trưởng, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết, việc giá vàng trong nước và thế giới có mức chênh lệch cao đã tạo điều kiện cho tình trạng buôn lậu vàng vào Việt Nam luôn nóng và phức tạp.

Theo ông Lịch, so với ma tuý, buôn lậu vàng dễ hơn nhưng lợi nhuận kiếm được lại lớn hơn nhiều. Trong khi nếu bị bắt, kẻ buôn lậu vàng chịu mức án thấp hơn. Chưa kể, nếu vàng lậu trót lọt qua biên giới, sẽ rất dễ mất dấu. Các đối tượng mua vàng lậu sẽ nấu chảy thành vàng nguyên liệu, rồi tuồn vào các xưởng chế tác, từ đó sẽ ra đời một sản phẩm vàng mới.

Cũng ông Lịch cho hay, hiện tình trạng buôn lậu vàng chủ yếu vận chuyển qua các đường mòn, lối mở từ Campuchia sang, tập trung ở các tỉnh như Tây Nam bộ như An Giang, Tây Ninh. “Giá vàng trong nước chênh lệch cao so với giá vàng thế giới trong khi nhu cầu lại lớn nên rất dễ hình thành các ổ nhóm buôn lậu vàng xuyên quốc gia”, ông Lịch nói.

Thông tin với PV Tiền Phong ông Lịch nói: Vừa rồi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an (C03) vừa triệt phá đường dây buôn lậu vàng có quy mô toàn quốc. Chỉ trong 2 ngày, các đối tượng đã nhập lậu gần 200 kg vàng, tương đương khoảng 400 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, lượng vàng lậu đang tuồn vào, Việt Nam rất lớn, làm xáo trộn thị trường vàng trong nước. Lực lượng hải quan chúng tôi cũng thường xuyên chỉ đạo giám sát chặt chẽ các lô hàng có dấu hiệu bất thường.

Lãnh đạo Cục C03 (Bộ Công an) đánh giá, các vụ buôn lậu lớn bị bắt giữ gần đây cho thấy, chênh lệch giá vàng đang tạo kẽ hở và động lực cho các đối tượng buôn lậu vàng hoạt động

Theo một chuyên gia am hiểu thị trường vàng, những vụ án buôn lậu mà cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ và khởi tố chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Mỗi năm, tổng số vàng thu từ các vụ buôn lậu phát hiện được cũng chỉ vài trăm kg nếu so với khoảng chừng 20 tấn vàng lậu được tuồn vào thị trường hằng năm.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng chỉ ra rằng, diễn biến trên thị trường vàng những năm gần đây rõ ràng làm tăng nguy cơ nhập lậu vàng từ nước ngoài và thất thu thuế. Trong khi đó, người tiêu dùng và nhà đầu tư phải mua với giá rất cao, hứng chịu nhiều rủi ro. PGS TS Thịnh cho rằng không thể phủ nhận tác động tích cực của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP đã góp phần chống “vàng hóa” nền kinh tế, song quy định về độc quyền sản xuất vàng miếng ít nhiều đã không còn phù hợp. “Để giải quyết tình trạng giá vàng chênh lệch quá lớn hiện nay, trước mắt Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét cho doanh nghiệp chế tác nhập khẩu nguyên liệu vàng phục vụ chế tác hàng xuất khẩu”, ông Thịnh đề xuất.

Theo Tiền Phong

Tin liên quan

Đang tải....