Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) vào hôm nay, 15/7, đã tuyên bố giữ chính sách tiền tệ ổn định và duy trì quan điểm rằng nền kinh tế sẽ dần dần phục hồi sau những tàn phá của đại dịch Covid-19 – phát đi tín hiệu dừng nới lỏng sau hai lần áp dụng chính sách kích thích trong năm nay.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng cảnh báo rằng sự không chắc chắn về triển vọng là rất cao đến từ các rủi ro khác nhau, bao gồm khả năng xảy ra một làn sóng lây nhiễm virus thứ hai quy mô lớn và sự gián đoạn tiềm tàng đối với hệ thống ngân hàng.
“Nền kinh tế Nhật Bản được dự báo sẽ dần cải thiện từ nửa cuối năm nay. Nhưng tốc độ phục hồi sẽ ở mức vừa phải vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu sẽ vẫn còn”, BOJ đề cập trong báo cáo triển vọng công bố hàng quý.
Đúng như dự đoán của các thị trường, BOJ đã quyết định duy trì mục tiêu lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và cam kết kiểm soát lãi suất trái phiếu chính phủ 10 năm quanh mức 0%.
Cơ quan này cũng không thay đổi các chương trình mua tài sản và cho vay để giảm bớt các căng thẳng tài trợ cho doanh nghiệp của mình.
“Không có cách gì để chính sách tiền tệ kích thích hiện tình kinh tế ở thời điểm này. Tôi không nghĩ BOJ có thể làm điều gì đó trong giai đoạn hiện nay ngoài việc cung cấp giải pháp hỗ trợ dòng tiền nhằm giữ cho tình hình không trở nên tồi tệ hơn nữa”, Atsushi Takeda, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Kinh tế Itochu, nói.
Trong báo cáo triển vọng hàng quý mới công bố, BOJ dự báo nền kinh tế nước này sẽ giảm 4,7% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2021, từ mức dự báo giảm -5.0% đến -3.0% đưa ra hồi tháng 4, trước khi tăng trưởng trở lại 3,3% vào năm sau.
Chỉ số giá tiêu dùng được dự báo sẽ giảm 0,5% trong năm nay và ở dưới mức mục tiêu 2% cho đến khi tăng cao hơn vào đầu năm 2023.
Chính sách nới lỏng của BOJ được ban hành vào tháng 3 và tháng 4 hướng tới nới lỏng từng bước thông qua việc tăng cường mua tài sản và triển khai chương trình cho vay dễ dãi hơn, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc làm, chi tiêu và khiến các hoạt động kinh doanh đình trệ.
Một cuộc khảo sát khu vực doanh nghiệp của Reuters ngày hôm nay cho thấy sự bi quan của các nhà sản xuất Nhật Bản vẫn gần với mức cao nhất lịch sử 11 năm, mặc dù một số công ty, đặc biệt là các công ty thuộc lĩnh vực dịch vụ, tin rằng các điều kiện thị trường sẽ ít tiêu cực hơn trong vài tháng tới.
Sự lây lan trên phạm vi toàn cầu của virus corona và nguy cơ lây nhiễm gia tăng tại Nhật Bản cũng có thể cản trở sự phục hồi. Tokyo đang xem xét tăng cảnh báo về Covid-19 sau khi có báo cáo tăng đột biến các trường hợp lây nhiễm tại thủ đô.
Mặc dù BOJ vẫn tuyên bố cắt giảm lãi suất sẽ là một trong những giải pháp được lựa chọn nếu cần thiết để kích thích nền kinh tế, các nhà phân tích cảnh báo rằng việc này có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng thương mại và khả năng cho vay.
Việc tập trung vào nới lỏng tín dụng để đối phó với tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng sức khỏe cũng đặt ra hoài nghi về khả năng kiểm soát đường cong lợi suất, một cơ chế đặt lãi suất làm mục tiêu chính sách của ngân hàng trung ương.
Thể hiện sự quan tâm đối với độ ổn định của nền tài chính, BOJ cảnh báo trong báo cáo rằng áp lực kéo dài đối với lợi nhuận của các tổ chức tài chính có thể khiến họ không còn động lực để cho vay tiếp và vì thế phải chịu rủi ro quá mức khi tìm kiếm lợi nhuận.
Bên cạnh đó còn có sự không chắc chắn về khả năng đại dịch có thể ảnh hưởng đến định giá của doanh nghiệp, khi các công ty bị kẹt giữa việc lựa chọn giảm giá do nhu cầu tiêu dùng yếu với việc vẫn phải chuyển chi phí gia tăng từ những hạn chế phía nguồn cung sang người tiêu dùng, báo cáo cho biết.
Theo Thời báo Ngân hàng