Vàng hưởng lợi mỗi khi có khủng hoảng. Điều này cho tới nay luôn đúng. Giá vàng đã tăng 13% từ kể từ đầu năm, đạt mức cao nhất kể từ 2012 và nhiều người dự báo giá sẽ còn tăng thêm nữa khi các nhà đầu tư tìm tới vàng để bảo đảm sự an toàn cho túi tiền của mình. Vậy có vẻ như vàng cũng “thích” cuộc khủng hoảng Covid-19, ít nhất cho tới thời điểm hiện tại, với giá hơn 1.700 USD/ounce.
Tuy nhiên, do mọi cá nhân cũng như quốc gia đều bị giảm thu nhập, người tiêu dùng vàng truyền thống ở Ấn Độ và Trung Quốc đều giảm mua vàng, các ngân hàng trung ương cũng giảm mua vàng tích trữ. Thiếu vắng những khách hàng này liệu vàng có thể tăng giá tiếp được hay không?
Do nhiều nhà đầu tư tìm tới vàng để “chống lại” những biến động kinh tế cũng như phòng ngừa nguy cơ tiền tệ và các tài sản khác mất giá, một số chuyên gia/tổ chức quốc tế dự báo giá vàng sẽ lặp lại đợt tăng mạnh lên kỷ lục 2.000 USD/ounce như năm 2011. Ngân hàng Mỹ Merrill Lynch đã từng cho rằng giá vàng thậm chí có thể đạt 3.000 USD/ounce trong năm tới.
Tuy nhiên, trong lịch sử, để nhu cầu vàng thực sự tăng thì phải mất một thời gian dài, và do kinh tế toàn cầu đang suy thoái sâu vì Covid-19 nên các nhà kinh tế cho rằng người tiêu dùng có thể giảm mua vàng trong thời gian tới.
Đó là lý do khiến ông Andrew Sheets, người phụ trách mảng chiến lược gia về tài sản của Morgan Stanley, cho rằng “Có rất nhiều lý do khiến giá vàng tăng, chẳng hạn như lạm phát, hay môi trường kinh tế xấu đi”, nhưng “Vàng không đơn giản như vậy. Hãy nhìn vào thị trường này giai đoạn 2003 – 2013, về cơ bản giá vàng đã tăng lên trong mọi kịch bản: Đánh bom, phá sản, không khủng hoảng. Một vài năm sau đó, giá giảm nhưng giảm rất chậm”.
Nhìn lại lịch sử để đoán tương lai
Trong nửa thế kỷ qua, giá vàng đã có 2 đợt tăng rất mạnh.
Đợt thứ nhất là khi các Chính phủ từ bỏ quyền kiểm soát giá vàng và nới lỏng lệnh cấm tư nhân sở hữu vàng, vào khoảng những năm 1970. Giá vàng khi đó giống như bị kìm nén lâu dài có dịp tung ra, đúng thời điểm kinh tế và chính trị có nhiều biến động, tạo ra “cơn sốt” đầu cơ vàng, đẩy giá tăng vọt từ 35 USD/ounce lên 800 USD/ounce vào năm 1980.
Đó là thời điểm giá vàng lên cao đỉnh điểm, và từ đó bắt đầu đi xuống sau khi các ngân hàng trung ương bán ra hàng tấn vàng. Đến năm 1999, mỗi ounce vàng giá chỉ còn 250 USD.
Xu hướng giảm giá sau đó cũng kết thúc khi các ngân hàng trung ương Châu Âu đồng ý phối hợp trong việc bán vàng để ổn định giá kim loại quý này. Trung Quốc cũng mở rộng đối tượng người dân được phép sở hữu vàng, lượng mua vào lại tăng lên. Các quỹ giao dịch hoán đổi (ETFs) – nơi đại diện cho các nhà đầu tư lưu giữ vàng – cũng tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người nắm giữ vàng miếng.
Theo Hội đồng Vàng thế giới, từ năm 2003 đến 2011, nhu cầu vàng hàng năm đã tăng từ khoảng 2.600 tấn lên hơn 4.700 tấn.
Xu hướng giá đi lên kết thúc khi giá đạt mức quá cao cản trở nhu cầu. Kết quả là giá đi ngang cho đến năm 2019, khi các ngân hàng trung ương bắt đầu hạ lãi suất, kéo lợi suất trái phiếu chính phủ giảm xuống khiến cho vàng lại trở nên hấp dẫn hơn.
Nhu cầu vàng đầu tư trong các cuộc khủng hoảng
Khủng hoảng tài chính năm 2008 xảy ra góp phần đẩy giá tăng lên. Khi cuộc khủng hoảng này mới bắt đầu, giá vàng giảm mạnh trong một thời gian ngắn khi giá các tài sản trên toàn cầu đồng loạt giảm sâu buộc các nhà đầu tư phải bán vàng để bù lấp vào những mất mát đó. Điều này tương tự như khi dịch Covid-19 lan rộng gây hoảng loạn tất cả các thị trường, buộc nhà đầu tư phải bán vàng để bù lỗ ở những thị trường khác.
Trong các năm 2008 và 2020, các nhà đầu tư đều nhanh chóng quay lại với vàng trong bối cảnh các ngân hàng trung ương tung ra những gói kích thích kinh tế khổng lồ – khiến cho lợi suất trái phiếu giảm sút và làm tăng nguy cơ lạm phát, từ đó làm cho những tài sản khác cũng như tiền tệ đều trượt giá.
“Áp lực tài chính đang ngày càng phình to”, các nhà phân tích thuộc Bank of America (BofA) nhận định, và cho rằng lãi suất ở hầu hết các nền kinh tế lớn sẽ “ở mức 0% hoặc dưới % trong một khoảng thời gian rất dài”.
Mọt số nhà đầu tư cho biết, các ngân hàng trung ương đang in tiền ra làm giảm giá trị của đồng USD, từ đó làm tăng thêm sức hấp dẫn của vàng. Không giống như tiền, “Fed không thể in vàng”, BofA cho biết.
Trong năm 2008 và sau đó, nhu cầu vàng tăng không chỉ bởi các nhà đầu tư mua mạnh, mà còn bởi nhu cầu từ các ngân hàng trung ương (chuyển hướng từ việc bán vàng sang mua vàng) và từ các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc – nơi tiêu thụ vàng tăng đột biến từ mức chỉ 200 tấn năm 2003 lên 1.450 tấn năm 2011.
Hiện tại, các ngân hàng trung ương như Nga cũng đang tích cực mua vàng trong nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế của mình. Nga sản xuất 10,1 triệu ounce vàng tinh luyện (314 tấn) trong năm 2019, trong đó 5,1 triệu ounce được ngân hàng trung ương nước này thu mua và 3,7 triệu ounce được xuất khẩu, chủ yếu sang Anh và Thụy Sỹ.
Nhưng tăng trưởng kinh tế ở những thị trường tiêu thụ vàng chủ chốt như Trung Quốc và Ấn Độ đã chậm dần lại từ hàng thập kỷ nay, và gần như sụp đổ khi bùng phát dịch Covid-19. Cuộc khủng hoảng Covid-19 đang khiến cho hàng triệu người bị mất việc, và làm cho đồng USD tăng mạnh, có nghĩa là giá vàng đã đạt mức cao kỷ lục nếu tính theo những loại tiền như nhân dân tệ của Trung Quốc hay rupee của Ấn Độ.
Nhập khẩu vàng vào Ấn Độ đã giảm 73% trong tháng 3/2020, xuống 25 tấn (mức thấp nhất 6,5 năm), do giá vàng trong nước cao kỷ lục và chính sách phong tỏa toàn quốc kéo dài do Covid-19 làm ngưng trệ hoạt động bán lẻ. “Thu nhập khả dụng giảm sút, còn giá vàng đi lên”, Surendra Mehta, Thư ký của Hiệp hội Vàng bạc Đá quý Ấn Độ, cho biết, và nhận định mọi người sẽ giảm hoặc không mua vàng nữa.
Thậm chí, người ta có thể bán vàng ra vào lúc này. Chẳng hạn như tại Thái Lan trong tháng 4/2020, người người xếp hàng dài để bán vàng vì đang rất cần tiền mặt trong bối cảnh kinh tế suy yếu và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Ngân hàng Trung ương Thái Lan dự báo tăng trưởng kinh tế nước này sẽ giảm 5,3% trong năm nay – tồi tệ nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 1998.
Giá vàng giao ngay tính theo baht Thái ở thời điểm giữa tháng 4/2020 đã tăng 24% so với đầu năm 2020, trong khi tính theo USD chỉ tăng 13%. Các gia đình Thái Lan thường tích trữ rất nhiều vàng và sẽ bán ra bất cứ khi nào giá vàng tăng hoặc trong lúc kinh tế khó khăn. Chủ tịch Hiệp hội Thương nhân Vàng Thái Lan, ông Jitti Tangsithpakdi, cho biết: “Trong hơn 60 năm kinh doanh, đây là lần đầu tiên tôi thấy người ta bán nhiều vàng đến như vậy. Tôi khuyên họ không nên bán ngay lúc này vì Covid-19 sẽ chưa kết thúc sớm và giá vàng có thể tăng thêm nữa”. Nhưng ông Tanarat Pasawongse, giám đốc điều hành của tập đoàn kinh doanh vàng lớn nhất Thái Lan, tập đoàn Hua Seng Heng, dự báo “Xu hướng bán tháo vàng sẽ còn tiếp diễn thêm một thời gian nữa vì giá vẫn ở mức cao. Hầu hết mọi người bán đồ trang sức bằng vàng, điều đó chứng tỏ kinh tế đang rất tồi tệ và người dân cần tiền mặt”.
Các nhà phân tích của HSBC dự báo nguồn cung vàng phế liệu sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm nay.
Tiêu thụ vàng của Ấn Độ có thể giảm xuống chỉ còn 350 tấn vào năm 2020 so với khoảng 700 tấn của năm 2019, theo ông năm ngoái khoảng 700 tấn, theo ông N. Anantha Padmanaban, Chủ tịch Hội đồng Vàng bạc Đá quý Ấn Độ.
Còn ở Trung Quốc, nhu cầu vàng năm nay có thể sẽ chỉ ở mức 640 tấn, giảm so với khoảng 950 tấn của năm 2019. Đó là nhận định của ông Samson Li, chuyên gia tư vấn của Refinitiv GFMS – bộ phận chuyên nghiên cứu về dòng chảy vàng toàn cầu của hãng Refinitiv.
Mặc dù nhiều chuyên gia dự đoán giá vàng sẽ còn tăng nữa vì Covid-19 khiến các ngân hàng trung ương tung ra quá nhiều tiền mặt, nhưng để hưởng lợi khi giá tăng hơn nữa, các nhà đầu tư sẽ phải bù lỗ ở những khoản đầu tư khác.
Tính từ đầu năm đến nay, họ đã tăng lượng vàng đầu cơ trong các quỹ giao dịch hoán đổi thêm hơn 400 tấn lên trên 3.300 tấn – mức cao kỷ lục, trị giá khoảng 180 tỷ USD.
Do đó, hầu hết các nhà phân tích đều nghi ngờ khả năng giá vàng sẽ tăng vọt.
Ngay cả Bank of America, tổ chức đã từng cho rằng giá vàng sẽ đạt 3.000 USD/ounce, cũng cho rằng giá vàng sẽ trung bình 2.063 USD/ounce vào năm 2021 trước khi giảm xuống 2.000 USD ở những năm tiếp theo. Và hiếm có chuyên gia hay tổ chức nào dự báo giá vàng sẽ đạt những mức cao như vậy.
Kết quả thăm dò của Reuters tiến hành ngày 20/4/2020 cho thấy, giá vàng sẽ vẫn duy trì cao do nhu cầu tăng từ phía các nhà đầu tư đối với một loại tài sản “an toàn”, nhưng sẽ không cao bằng những mốc đã đạt được gần đây.
Kết quả thăm dò ở 38 nhà phân tích và thương gia dự báo giá vàng sẽ trung bình 1.639 USD/ounce vào năm 2020, và 1.655 USD/ounce vào năm 2021. Nhìn chung họ cho rằng xu hướng giá tăng gần đây sẽ kết thúc.
Tuy nhiên, các con số dự báo vào lúc này cao hơn nhiều so với cuộc thăm dò hồi tháng 1/2020, khi đó cho rằng giá vàng trung bình năm 2020 sẽ ở mức 1.546 USD/ounce, và 2021 sẽ là 1.600 USD/ounce.
Các nhà phân tích cho rằng, giá vàng thỏi sẽ chịu áp lực giảm bớt vì USD mạnh lên khiến cho vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua bằng các loại tiền tệ khác, và nhu cầu giảm ở những thị trường như Trung Quốc hay Ấn Độ do nhiều người tiêu dùng bị giảm thu nhập hoặc mất việc.
Ngoài ra, giá vàng cũng dễ bị “tổn thương” nếu thị trường tài chính lại lao dốc một lần nữa, vì khi đó các nhà đầu tư lại buộc phải bán vàng để lấy tiền mặt bù lỗ cho những tài sản có tính thanh khoản cao hơn nhằm duy trì hoạt động.
Suki Cooper, nhà phân tích của Standard Chartered cho biết: “Chúng tôi dự báo giá vàng sẽ vẫn bị cuốn vào cuộc chiến giữa tài sản an toàn và nhu cầu tiền mặt”. Mặc dù vậy, theo bà Cooper, lợi suất trái phiếu thấp và kỳ vọng vào việc các ngân hàng trung ương sẽ tung thêm nhiều biện pháp kích thích kinh tế.
Một số nhà phân tích dự báo giá vàng sẽ lặp lại những gì đã diễn ra sau khủng hoảng tài chính năm 2008, khi đó giá tăng 1000 USD/ounce lên kỷ lục cao 1.920,3 USD/ounce vào năm 2011.
Nhưng kỷ lục đó sẽ chỉ có thể tái thiết lập “một khi tình hình vượt ra khỏi tầm kiểm soát và cuộc suy thoái ngắn và mạnh dự kiến sẽ biến thành đợt suy thoái kéo dài”, nhà phân tích Carsten Menke của Julius Baer cho biết.
Theo Tổ Quốc/ Tham khảo Reuters