Tuần qua, cùng với xu hướng chung của thị trường kim loại quý thế giới, giá vàng trong nước cũng sụt giảm. Dịch bệnh Covid-19 không chỉ lây lan nhanh trên toàn cầu mà số người tử vong vì dịch bệnh cũng tăng nhanh.
Giá vàng thế giới biến động mạnh trong tuần
Tuần qua giá vàng thế giới biến động mạnh cả chiều tăng và chiều giảm. Nguyên nhân là do Chính phủ và ngân hàng trung ương các nước đã đưa ra hàng loạt chính sách, gói nhằm hỗ trợ thúc đẩy kinh tế phát triển và hạn chế dịch bệnh Covid-19 lan nhanh trên toàn cầu.
Đầu tuần (ngày 16/3), giá vàng thế giới mở cửa tăng mạnh hơn 20 USD/oz, nhưng cũng chỉ hơn 1 giờ giao dịch giá vàng lại giảm mất hơn 20 USD/oz, sau khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đột ngột cắt giảm lãi suất đồng USD còn 0-0,25%. Chỉ chưa đầy 2 tuần Fed 2 lần giảm lãi suất đột ngột đã khiến cho nhà đầu tư suy đoán rằng kinh tế Mỹ đang giảm mạnh.
Nhà đầu tư đã bán tháo liên tục cả cổ phiếu và vàng chuyển sang những tài sàn dễ thanh khoản là tiền và trái phiếu.
Trong tuần có phiên ngày 18/3, giá vàng thế giới đảo chiều tăng khi Mỹ và Anh tung ra lượng tiền khủng để kích thích kinh tế và phòng chống dịch bệnh Covid-19. Sau đó là hàng loạt các nước khác tại châu Âu như Pháp, Đức, Italia … cũng đưa ra hàng loạt gói kích thích kinh tế, trị giá khoảng 1.500 tỷ USD cho kích thích kinh tế và chống dịch bệnh.
Thế nhưng, tuần qua vàng thế giới đã có lúc giảm giá về mốc 1.457 USD/oz. Đến cuối tuần, giá vàng thế giới tăng nhưng vẫn chưa lấy lại được mốc 1.500 USD/oz. Tính chung, cả tuần giá vàng thế giới giảm 59 USD/oz so với giá mở cửa tuần.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng vàng giao tháng 4 tiến 5.30 USD (tương đương 0.4%) lên $1484,60/oz. Dẫu vậy, tuần qua, hợp đồng này vẫn giảm 2.1%, dữ liệu từ FactSet cho thấy.
“Vàng đã phục hồi cùng với sự cải thiện trong tâm lý ưa thích rủi ro, trong khi suy yếu phần lớn thời gian trong tuần khi các ngân hàng trung ương xung quanh thế giới làm mọi cách để hỗ trợ nền kinh tế giữa lúc đại dịch COVID-19 bùng phát”, Craig Erlam, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nhận định.
Vàng trong nước diễn biến khó lường
Tuần qua, mặc dù giá vàng thế giới có nhiều phiên biến động mạnh, trong đó chủ yếu là giảm, nhưng vàng trong nước vẫn tăng là chủ yếu. Phiên ngày 17/3, khi vàng thế giới giảm mạnh đến trên 50 USD/oz thì vàng SJC chỉ giảm từ 100.000 – 200.000 đồng/lượng. Trong tuần, vàng trong nước có 2 phiên đi ngược xu hướng thế giới. Tính đến cuối tuần, giá vàng thế giới thấp hơn vàng trong nước trên 4 triệu đồng/lượng.
Theo niêm yết của Bảo Tín Minh Châu giao dịch, giá vàng giao dịch tuần mới ngày 16/3 ở mức 45,75 – 46,65 (triệu đồng/lượng) (mua vào – bán ra); tại thời điểm trưa nay 21/3, giá vàng đứng ở ngưỡng 45,85 – 46,25 (triệu đồng/lượng) (mua vào – bán ra). Theo đó, giá vàng tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, giảm 400.000 đồng/lượng chiều bán ra mỗi lượng trong cả tuần.
Theo niêm yết của Tập đoàn Doji, giá vàng giao dịch tuần mới ngày 16/3 ở mức 45,70 – 46,70 (triệu đồng/lượng) (mua vào – bán ra); tại thời điểm trưa nay 21/3, giá vàng đứng ở ngưỡng 45,80 – 46,30 (triệu đồng/lượng) (mua vào – bán ra). Theo đó, giá vàng tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 400.000 đồng/lượng chiều bán ra mỗi lượng trong cả tuần.
Theo phân tích của giới chuyên gia, giá vàng trong nước đang diễn biến bất thường, không theo xu hướng thế giới. Trong khi vàng thế giới giảm giá mạnh, nhưng vàng SJC biến động không đáng kể.
Chuyên gia khuyến cáo, có thể là vàng trong nước đang bị găm giá, làm giá khiến thị trường bất thường, do đó nhà đầu tư nên hạn chế mua vào tại thời điểm giá cao nhằm tránh rủi ro. Việt Nam dự kiến đỉnh dịch bệnh Covid-19 vàng cuối tháng 3 đầu tháng 4. Qua đi thời điểm đỉnh của dịch bệnh thì hoạt động sản xuất, kinh doanh dần trở lại, giá vàng sẽ giảm về đúng giá trị của nó, đúng thế thì vàng SJC có thể sẽ mất khoảng từ 3-4 triệu đồng/lượng so với giá hiện tại.
Tổng hợp