Kể từ năm 2004 đến nay, giá vàng tăng bình quân khoảng 8,6%/năm, bằng mức lãi suất của tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dài tại ngân hàng. Rủi ro khi đầu tư vào vàng ở mức cao, song vàng vẫn được coi là “hầm trú ẩn” an toàn cho hoạt động đầu tư của nhiều người.
Cầu vàng miếng giảm
Việt Nam không còn tốn ngoại tệ để nhập khẩu vàng trong những năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước cũng không phải can thiệp vào thị trường vàng mỗi khi giá vàng thế giới tăng cao. Bởi lẽ, nhu cầu về vàng miếng để đầu tư, nhất là với các nhà đầu cơ giảm.
Thị trường vàng dần đi vào ổn định kể từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được Chính phủ ban hành. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, người dân tin tưởng gửi tiền vào ngân hàng hơn nắm giữ vàng, ngoại tệ, cho thấy chính sách quản lý vàng, ngoại hối đang đi đúng hướng.
Trước đó, giai đoạn 2001 – 2008, các tổ chức tín dụng được thực hiện huy động, cho vay vốn bằng vàng. Trong điều kiện giá vàng tương đối ổn định, hệ thống tổ chức tín dụng đã huy động được nguồn vàng không nhỏ, đóng góp cho phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, giai đoạn 2008 – 2011, kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, giá vàng thế giới biến động mạnh, có thời điểm tăng 300% so với năm 2008 (giá vàng giai đoạn 2005 – 2007 tăng 20 – 30%, giai đoạn 2009 – 2010 tăng gần 30%), khiến giá vàng trong nước biến động theo, gây rủi ro lớn cho cả tổ chức tín dụng và người đi vay.
Việc tổ chức tín dụng huy động, cho vay vàng bắt đầu gây hệ lụy cho nền kinh tế, gia tăng nhu cầu nắm giữ vàng để đầu cơ, tích trữ và gửi tại các tổ chức tín dụng để hưởng lãi suất. Điều này càng làm trầm trọng hơn tình trạng vàng hóa, gây bất ổn thị trường vàng, cũng như ảnh hưởng đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ.
Trước tình hình đó, từ năm 2011 đến năm 2013, thực hiện chủ trương ngăn chặn tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế, hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ để chấm dứt hoạt động huy động, cho vay vốn bằng vàng. Trong đó, các tổ chức tín dụng không được phép huy động vàng, chỉ được thực hiện hoạt động bảo quản tài sản (bao gồm vàng) và khách hàng phải trả phí cho hoạt động gửi vàng tại tổ chức tín dụng.
Thực tế cho thấy, việc triển khai thực hiện chính sách chấm dứt huy động, cho vay vốn bằng vàng và các giải pháp quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã mang lại kết quả tích cực. Cụ thể, nhu cầu vàng miếng trong nền kinh tế ngày càng suy giảm, trong khi tiền gửi bằng VND trong hệ thống gia tăng.
Từ năm 2014 đến nay, sức hấp dẫn của vàng miếng suy giảm; cung, cầu vàng miếng trên thị trường tương đối cân bằng; doanh số mua, bán vàng miếng trong hệ thống có xu hướng giảm, nhiều thời điểm giảm đến 70% so với năm 2013; các doanh nghiệp chủ yếu mua ròng vàng miếng từ khách hàng cá nhân; thị trường không xuất hiện các “cơn sốt” vàng miếng; không còn tình trạng đầu cơ, làm giá diễn ra trong thời gian dài gây bất ổn đến tỷ giá, thị trường ngoại tệ và sự ổn định kinh tế vĩ mô như giai đoạn trước đây. Trong khi đó, số liệu tiền gửi VND từ năm 2014 đến nay liên tục tăng, với tốc độ tăng hàng năm phổ biến từ 16 – 20%.
Bản thân nền kinh tế không bị tiêu tốn ngoại tệ để nhập khẩu vàng, một phần nguồn lực vàng được chuyển hóa phục vụ nhu cầu sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Với các giải pháp quản lý thị trường vàng những năm vừa qua, thị trường vàng đang diễn biến ổn định. Nhu cầu vàng miếng suy giảm, thị trường vàng miếng tự điều tiết. Thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ cũng tự cân đối, nhu cầu vàng nguyên liệu chủ yếu dùng để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Bản thân các doanh nghiệp kinh doanh trang sức đều chủ động mua vàng nguyên liệu trên thị trường để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, thay vì phải tốn ngoại tệ để nhập khẩu vàng nguyên liệu như giai đoạn trước đây. Trung bình mỗi năm, nhu cầu vàng nguyên liệu cho sản xuất trang sức, mỹ nghệ khoảng 10 – 15 tấn.
Như vậy, có thể khẳng định, với các giải pháp vĩ mô đồng bộ, nguồn lực vàng trong dân đã bước đầu được chuyển hóa thành tiền để sẵn sàng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Huy động vàng thông qua chuyển hóa nguồn lực vàng thành tiền, về bản chất là làm thay đổi thói quen, nhu cầu nắm giữ vàng của người dân, làm suy giảm sức hấp dẫn của vàng miếng, ngăn chặn tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế. Do vậy, việc chuyển hóa nguồn lực vàng thành tiền là lựa chọn tối ưu để tận dụng nguồn lực vàng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Quá trình chuyển hóa dựa trên việc người dân tự quyết định chuyển từ nắm giữ vàng sang tài sản khác, vì vậy, không gây xáo trộn tâm lý, không tạo ra hiệu ứng kích thích tâm lý đầu cơ vào vàng; đồng thời tiết kiệm được lượng ngoại tệ nhất định do không phải nhập khẩu vàng.
Song việc chuyển hóa nguồn lực vàng là một quá trình lâu dài, các giải pháp để chuyển hóa nguồn lực vàng cần thực hiện nhất quán, đồng bộ và từng bước. Trong đó, bên cạnh các giải pháp quản lý thị trường vàng, giải pháp về kinh tế vĩ mô nhằm ổn định, nâng cao giá trị tiền đồng, cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là tiền đề để thực hiện mục tiêu hạn chế tình trạng vàng hóa, đẩy mạnh chuyển hóa nguồn lực vàng thành tiền phục vụ sản xuất – kinh doanh.
Cơ hội đầu tư vẫn lớn
Tuy nhu cầu về vàng miếng giảm khi Chính phủ đóng cửa xuất – nhập khẩu vàng và kể từ năm 2004 đến nay, giá vàng chỉ tăng bình quân khoảng 8,6% – bằng mức lãi suất của tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dài tại ngân hàng, rủi ro khi đầu tư vào vàng ở mức cao…, nhưng vàng vẫn được coi là “hầm trú ẩn” cho hoạt động đầu tư của nhiều người. Năm 2019, cơ hội vàng tăng giá là không nhỏ.
So với thời điểm cuối năm 2018, giá vàng năm 2019 có sự khác biệt rất lớn khi có sự điều chỉnh tăng từ con số 1.200 USD/ounce lên mức 1.320 USD/ounce. Nguyên nhân giá vàng có chiều hướng tăng bởi tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nói riêng và bất ổn của nền kinh tế thế giới nói chung, cùng với đó là dự kiến ngừng tăng lãi suất USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)…
Theo một số dự báo, giá vàng thế giới có khả năng sẽ tăng thêm trong năm 2019, dao động quanh mức 1.350 USD/ounce, thậm chí có thể đạt 1.400 USD/ounce. Tại thị trường trong nước, giá vàng sẽ xoay quanh con số 37 triệu đồng/lượng.
Mặc dù không tránh khỏi những phiên điều chỉnh giảm, song với động thái không tăng lãi suất của Fed trong cuộc họp trong tháng 3/2019 và khả năng giảm lãi suất USD trong thời gian tới khi kinh tế Mỹ khó khăn sẽ là động lực thúc đẩy giá kim quý tăng mạnh. Còn “đồng bạc xanh” có khả năng sẽ suy giảm.
Trong ngắn hạn, hơn 70% chuyên gia tại Wall Street được khảo sát dự đoán, giá vàng sẽ tăng. Cụ thể, theo cuộc khảo sát của Kitco đối với 17 chuyên gia tại Wall Street, có 12 người, chiếm 71%, dự đoán giá vàng sẽ tăng; 4 người, chiếm 26%, dự đoán giá vàng giảm và 1 người, chiếm 6%, dự đoán giá vàng đi ngang.
Tại Main Street nhận được 572 phiếu tham gia trả lời online, với 387 phiếu, chiếm 68% dự đoán giá vàng sẽ tăng; 127 phiếu, chiếm 22%, dự đoán giá vàng giảm và 58 phiếu, chiếm 10%, dự đoán giá vàng đi ngang.
Tuy nhiên, giới phân tích lĩnh vực vàng cho rằng, nhà đầu tư sẽ phải theo dõi xu hướng tìm đến tài sản an toàn là mặt hàng vàng trong bối cảnh xuất hiện lo ngại mới về triển vọng kinh tế toàn cầu, sau khi thị trường trái phiếu phát đi tín hiệu cảnh báo suy thoái.
Cùng lúc đó, Fed hạ dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ xuống mức 2,1% trong năm 2019, giảm từ mức dự báo 2,3% hồi tháng 12/2018. Vì thế, theo giới phân tích vàng, mặt hàng kim quý này có thể sẽ tăng cao, nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ.
Một số nhà phân tích tại Morgan Stanley có quan điểm trung lập về giá vàng. Tuy nhiên, giá vàng được nhìn nhận là có triển vọng dao động ở mức 1.290 USD/ounce trong quý II, 1.300 USD/ounce trong quý III và 1.350 USD/ounce trong quý IV/2019.
Có thể nói, nhà đầu tư ít có nguy cơ thua lỗ nếu mua vàng để đầu tư, chứ không phải đầu cơ. Diễn biến lên xuống của giá vàng đem lại thanh khoản và cơ hội hưởng chênh lệch giá khi thực hiện đầu cơ, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, với Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về việc siết chặt quản lý vàng miếng, thị trường vàng sẽ ổn định về giá. Vì thế, việc đầu cơ vàng trong thời gian ngắn khó có thể đem lại lợi nhuận cao, thậm chí có nguy cơ thua lỗ. Giờ đây, rót vốn vào vàng không thể “ăn xổi”.
Lưu ý, giá vàng năm 2019 có xu hướng tăng, nhưng vẫn phụ thuộc vào nhiều biến số khó lường. Theo diễn biến hiện nay thì giá vàng có khả năng tăng từ 5 – 10% trong năm nay.
Theo phân tích kỹ thuật, giá vàng đang có ngưỡng kháng cự ở 1.350 USD/ounce và sau đó là 1.400 USD/ounce. Vàng vẫn có dư địa tăng, nhất là trong thời gian Brexit và chiến tranh thương mại Mỹ – Trung chưa giải quyết xong, bất ổn ở Pháp hay chủ nghĩa dân túy Ý gây căng thẳng trong khu vực đồng Euro.
Trong ngắn hạn, việc đầu tư vào vàng ở vùng giá 37 triệu đồng/lượng có khả năng thua lỗ thấp, song vẫn cần thận trọng.
Để tìm kiếm lợi nhuận từ vàng và thu hút nhà đầu tư kinh doanh vàng trong năm 2019, nhà đầu tư và các doanh nghiệp kinh doanh vàng cần xác định các vấn đề sau: khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư, tức khả năng chấp nhận thua lỗ bao nhiêu; danh mục đầu tư có gì, ví dụ: cổ phiếu, trái phiếu, gửi tiết kiệm, vàng, bất động sản…, danh mục này chia sẻ lợi nhuận và rủi ro ra sao; kiến thức về đầu tư tài chính, vàng ra sao, nguồn lực của mình đến đâu; khả năng và kiến thức của nhà đầu tư về phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật…
Theo Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB)
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2019