29.5 C
Hanoi
15/05/2025
GiaVang.Net
Chuyên gia Vàng

Thư gửi bạn: Cần làm gì khi vàng giảm và giảm sâu?

Khi vàng giảm và bước vào giai đoạn điều chỉnh sâu, chúng ta thường rơi vào trạng thái chán nản, hoang mang, thậm chí mất niềm tin. Tâm lý này thường có khi mà mọi người đã mua ở vùng giá cao, nay nhìn thấy tài sản “bốc hơi” từng ngày. Vậy nên đọc lá thư này:

Ai cũng từng gặp tình cảnh này

Lúc này, chúng ta cảm thấy mất kiểm soát cảm xúc, cảm thấy “mình sai”, “thị trường đang chống lại mình”. Nhìn sang người khác, thấy người khác bán kịp lúc, còn mình “ôm lỗ”. Sau đó, lên mạng, vào nhóm lại nghe tin tiêu cực, dễ bị ảnh hưởng bởi báo chí, hội nhóm, khiến càng mất bình tĩnh.

Tâm lý thua lỗ không chỉ ở trong chuyện lãi/lỗ mà còn ảnh hưởng đời sống thường ngày. Lúc này chúng ta căng thẳng và mất ngủ. Lúc nào cũng dằn vặt bản thân, kiểm tra giá liên tục cả ngày, đêm.

Nó còn làm suy giảm hiệu suất công việc hiện tại mà mình đang kiếm tiền, khiến cho mất tập trung, tâm trí bị luôn kéo về thị trường, bảng giá, đồ thị vàng.

Tâm lý lúc này cũng ảnh hưởng mạnh đến gia đình con cái, nóng nảy, cáu gắt, hoặc im lặng bất thường với người thân. Ra đường gặp bạn bè thì không muốn giao tiếp vì cảm thấy “khó chịu” hay “thất bại”.

Những gạch đầu dòng trên có thể thấy ai trong chúng ta cũng gặp phải khi giá xuống. Tôi cũng ở tình trạng này nhiều lần nên tôi hiểu, tình trạng này cũng giống như đầu tư chứng khoán lẫn vàng trước đây.

Vậy cần làm gì để gạt bỏ các tâm lý nặng nề này? Đằng nào thì không bán kịp cũng lỗ rồi. Nên cần làm phải là:

Nhớ rằng: Giá vàng hay bất kỳ tài sản nào đều có chu kỳ. Việc giảm giá không đồng nghĩa với “mất trắng”, trừ khi bạn bán tháo trong hoảng loạn. Vàng có thể được nói là “chưa lỗ khi chưa bán”. Khác hẳn với chứng khoán nhé. Ta nên tập trung vào giá trị nội tại và mục tiêu đầu tư dài hạn thay vì giao động ngắn hạn đối với vàng.

Sai lầm phổ biến là dồn hết tiền (thậm chí đi vay) vào một kênh vàng với hy vọng “đổi đời”, x3 tài khoản như sóng thần vừa qua. Phân bổ vốn, mua nhiều lần khi giá xuống, hoặc lỡ mua cao có thể giúp chúng ta không bị mất phương hướng khi vàng rớt giá. Ý là còn có tiền để mua khi giá nó tụt sâu và hồi phục nhẹ trở lại.

Còn tốt nhất là “tạm thời kệ nó”. Thay vì ngồi nhìn biểu đồ mỗi giờ, hãy tìm một công việc hoặc hoạt động khác để lấy lại nhịp sống. Học một kỹ năng mới (đọc tin tiếng Anh về vàng và tài chính, xem các chỉ báo kỹ thuật, đọc sách lịch sử về vàng trong quá khứ, tìm hiểu các khái niệm FED, quỹ SPDR…).

Vào nhóm tán gẫu, chia sẻ kinh nghiệm thì được, đừng dại đóng tiền học trading hay làm giàu. Mấy “thầy”, “chuyên gia” toàn bán lý thuyết suông, chẳng giúp đầu tư sinh lời đâu.

Hết thư.


Tôi là Tuấn Zhang
Chuyên gia về thị trường vàng với 12 năm làm việc tại Giavang.net. Tuấn tập trung trong lĩnh vực giao dịch vàng XAU, GC1 và giá vàng trong nước. Với kiến thức và kinh nghiệm, Tuấn luôn cập nhật những thông tin kinh tế và các dự báo giá vàng giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định kinh doanh có kế hoạch hợp lý.

Đang tải....