31 C
Hanoi
19/04/2024
Image default
Kinh tế Phân tích Phân tích - Chiến lược Tin mới nhất Vàng

Triển vọng giá dầu, vàng tuần 2 – 6/11

Dưới đây là đánh giá về thị trường dầu thô, vàng tuần trước và nhận định cho tuần này.

Chốt phiên 30/10, giá dầu Brent tương lai giảm 19 cent xuống 37,46 USD/thùng, trong phiên có lúc chạm đáy 5 tháng 36,64 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai giảm 38 cent xuống 35,79 USD/thùng.

Đây là phiên giảm thứ ba liên tiếp của cả hai loại dầu trong bối cảnh các biện pháp hạn chế với hoạt động kinh doanh và người dân Pháp, Đức nhằm ứng phó Covid-19 làm dấy lên lo ngại châu Âu, cũng như các nơi khác, sắp phong tỏa diện rộng.

Chốt tháng 10, giá dầu Brent giảm 10%, WTI giảm 11%.

“Halloween đang gõ lên cửa của chúng ta và chắc chắn mọi thứ ngoài kia đều đáng sợ về cả giá dầu và Covid-19”, John Kilduff, nhà phân tích tại Again Capital, New York, nói. “Ngưỡng 30 USD/thùng của WTI sẽ khó thủng nhưng chắc chắn sẽ được thử thách”.

Mỹ ngày 30/10 ghi nhận hơn 100.000 ca nhiễm mới Covid-19, cao kỷ lục. Tổng cộng, nền kinh tế số một thế giới có hơn 9 triệu ca nhiễm Covid-19, khoảng 230.000 trường hợp tử vong. Tại New Jersey, thống đốc Phil Murphy cân nhắc áp lệnh giới nghiêm sau khi bang New York lân cận – nơi từng là ổ dịch – ghi nhận 2.089 ca nhiễm mới Covid-19, cao nhất gần 6 tháng.

Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết như đi mua thực phẩm hoặc chăm sóc y tế. Đức yêu cầu các dịch vụ không thiết yếu như nhà hàng, quán rượu đóng cửa ít nhất một tháng. Italia và Tây Ban Nha cũng giảm quy mô các hoạt động kinh doanh. Anh và Ireland cũng triển khai các hạn chế để ngăn đà lây lan của virus.

Châu Âu có thêm 1,3 triệu ca nhiễm mới Covid-19 trong vòng 7 ngày tính đến 29/10, số ca tử vong là hơn 11.700, tăng 37% so với tuần trước đó.

Thị trường càng thêm bất ổn khi Mỹ sẽ bắt đầu bầu cử tổng thống ngày 3/11 với hai ứng viên Donald Trump, đảng Cộng hòa, và Joe Biden, đảng Dân chủ. Kết quả thăm dò cho thấy Biden khả năng cao thắng cử trong khi Trump từng nhiều lần đặt câu hỏi về quy trình bỏ phiếu và ám chỉ sẽ không chấp nhận thất bại.

Lo ngại về việc trì hoãn kết quả bầu cử và bất ổn xã hội là một trong những lý do khiến Phố Wall giảm mạnh trong tuần trước.

Craig Erlam, nhà phân tích tại OANDA, New York, tin OPEC và đồng minh, tức OPEC+, sẽ có vai trò quan trọng trong ngăn hay để giá dầu thủng mốc 30 USD/thùng. OPEC+ đã thành công trong việc giữ giá dầu quanh 40 USD/thùng kể từ tháng 5 bằng chính sách giảm sản lượng.

OPEC+ dự định tăng sản lượng 2 triệu thùng/ngày từ tháng 1/2021. Tuy nhiên, Arab Saudi và Nga, hai quốc gia sản xuất dầu hàng đầu OPEC+, đang ưu tiên kịch bản giữ nguyên mức giảm 7,7 triệu thùng/ngày như hiện tại sang năm sau, trong bối cảnh nguồn cung từ Libya đang tăng.

OPEC+ sẽ họp chính sách vào ngày 30/11 – 1/12.

Tại Mỹ, các công ty năng lượng trong tháng 10 triển khai thêm 35 giàn khoan dầu và khí đốt, tháng tăng thứ 3 liên tiếp và nhiều nhất kể từ tháng 5/2018, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes.

Tổng giàn khoan dầu và khí đốt trong tuần kết thúc ngày 30/10 tăng 9 lên 296 – cụ thể số giàn khoan dầu tăng 10 lên 221, cao nhất kể từ tháng 5, còn số giàn khoan khí giảm 1 xuống 72. Số lượng giàn khoan dự phòng là 3.

Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho trong tuần kết thúc ngày 23/10 tăng 4,3 triệu thùng lên 492,4 triệu thùng, vượt xa dự báo tăng 1,2 triệu thùng từ giới phân tích. Sản lượng lên cao nhất từ tháng 7, ở 11,1 triệu thùng/ngày, tăng 1,2 triệu thùng/ngày so với tuần trước đó – mức tăng hàng tuần cao kỷ lục – một phần do các cơ sở khai thác dầu ngoài khơi hoạt động trở lại sau bão Delta.

Dưới đây là một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần.

Ngày 3/11

  • Viện dầu mỏ Mỹ ước tính số liệu tồn kho hàng tuần.
  • Mỹ bầu cử tổng thống.

Ngày 4/11

  • EIA cập nhật số liệu tồn kho dầu thô, xăng, sản phẩm tinh chế hàng tuần.
  • Fed bắt đầu họp chính sách hai ngày 4 – 5/11.

Ngày 6/11

  • Baker Hughes cập nhật số lượng giàn khoan dầu Mỹ hoạt động.

Kim loại quý

Chốt phiên 30/10, giá vàng giao ngay tại sàn New York tăng 11,3 USD lên 1.878,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai tăng 0,6% lên 1.879,9 USD/ounce. Đà tăng có được nhờ nhà đầu tư muốn chuyển sang tài sản an toàn để phòng hộ biến động từ bầu cử Mỹ. Tuy nhiên, chốt tháng, giá vàng giao ngay và tương lai lại giảm lần lượt 0,4% và 1,3%.

“Xu hướng mua tài sản an toàn dự báo tăng trong vài ngày tới”, Halley, nhà phân tích tại OANDA, New York, nói. Giá vàng có thể thử vượt mốc 1.900 USD/ounce.

Phe Dân chủ, kiểm soát Hạ viện, hồi tháng 3 đạt thỏa thuận với chính quyền Trump thông qua gói hỗ trợ Covid-19 CARES trị giá khoảng 3.000 tỷ USD để bảo vệ thu nhập người lao động, cho vay hoặc xóa nợ cho doanh nghiệp, hỗ trợ thu nhập cho công dân đủ điều kiện. CARES hết hiệu lực hôm 31/7 và hai bên chưa thể nhất trí về gói hỗ trợ tiếp theo.

Ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn của vàng là 1.850 USD/ounce, kháng cự ở 1.920 – 1925 USD/ounce, theo giới phân tích. Nếu vượt được 1.925 USD/ounce, giá vàng có thể chạm 1.970 USD/ounce.

Theo NDH

Tin liên quan

Đang tải....